Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 22-25/5 trên địa bàn đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được vượt đợt mưa lũ lịch sử năm 2008, cao nhất kể từ năm 1978 đến nay.
Mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt; hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập úng. Một số khu vực tại huyện Tam Đảo, thành phố Phúc Yên bị cô lập; nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học khẩn cấp.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở ngành, địa phương vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, trước mùa mưa bão, ông đã ký Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2022. Tuy nhiên việc thực hiện ở một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, một số khu vực trọng yếu, đập tràn nước ngập sâu, chảy xiết nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp kịp thời tháo gỡ vật cản, khơi thông dòng chảy, thiếu các biện pháp ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Ông Lê Duy Thành yêu cầu chủ tịch UBND các cấp, giám đốc các sở, ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, ứng phó với mọi tình huống nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thu thập các thông tin về lượng mưa, mốc tại các điểm ngập úng để phục vụ công tác quy hoạch phòng chống lụt bão sau này.