Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều nước muốn học Việt Nam cách tăng tuổi nghỉ hưu'

Nguyễn Dương| 06/01/2024 17:24

Yêu cầu đặt ra khi tăng tuổi nghỉ hưu là không gây xáo trộn xã hội. Nhiều nước họp bàn thâu đêm không quyết định được vấn đề này, trong khi Việt Nam đã làm được.

Sáng 6/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố cảng.

Cuộc tiếp xúc cử tri có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng với thời điểm cả nước đang kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024).

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nước muốn học Việt Nam cách tăng tuổi nghỉ hưu - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) và các đại biểu ngồi bàn chủ tọa điều hành cuộc tiếp xúc cử tri (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tăng tuổi nghỉ hưu mà không gây xáo trộn xã hội

Tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến nêu tại hội nghị là xác đáng, có chất lượng và sát thực tiễn cuộc sống, Quốc hội sẽ tiếp thu và nghiên cứu đầy đủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một nội dung mà người lao động rất quan tâm đó là Bộ luật Lao động năm 2019.

"Thời điểm đó, tôi không phụ trách lĩnh vực này nhưng do được phân công xây dựng Nghị quyết cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nên tôi được Chính phủ tín nhiệm giao chỉ đạo xây dựng Bộ Luật Lao động", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông thông tin một sáng kiến đưa ra trong Bộ luật được Quốc hội thông qua là sao để tăng tuổi nghỉ hưu mà không gây xáo trộn xã hội.

Người đứng đầu Quốc hội kể lại, vừa qua ông đi công tác tại một số quốc gia, thấy Quốc hội một số nước họp cả đêm vẫn không thông qua được vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

Việt Nam đã có cách làm sáng tạo, tính toán tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ. Với lao động nam, mỗi năm tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng, lao động nữ tăng 4 tháng. Việt Nam chọn cách cho tăng tuổi nghỉ hưu "chạy dần dần" cho đến khi đạt mức 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ.

"Có những nước việc tăng tuổi nghỉ hưu mà xã hội bất ổn đến cả thập kỷ. Nhiều nước bàn đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã xảy ra biểu tình, cuối cùng không thông qua được.

Còn vấn đề này ở Việt Nam nhận được sự đồng thuận, nhất trí rất cao, chính là do áp dụng cách tăng dần dần. Cách thức riêng có này của Việt Nam chưa quốc gia nào làm được. Nhiều lãnh đạo các nước nói, nếu đoàn Việt Nam sang thăm sớm thì họ sẽ học cách làm của Việt Nam và họ sẽ học được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nước muốn học Việt Nam cách tăng tuổi nghỉ hưu - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri (Ảnh: Nguyễn Dương).

Về tiền lương, Chủ tịch Quốc hội nhận định, đây là vấn đề quan tâm rất lớn của đông đảo người lao động và các bên liên quan. Thực tế, tiền lương là thu nhập của người lao động, nhưng lại là chi phí của doanh nghiệp.

Nguyên tắc được Đảng nhấn mạnh là phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa doanh nghiệp, người lao động. Bản thân doanh nghiệp mà không tồn tại, không phát triển được, thì người lao động sẽ không có chỗ để làm.

"Tiền lương tối thiểu là mức sàn do nhà nước đặt ra để yêu cầu tất cả các doanh nghiệp không được trả lương người lao động dưới mức sàn này. Mức sàn đó không phải tiền lương thực tế. Lương thực tế do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động và thường trả cao hơn mức sàn", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động rất phong phú như hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới phải sửa đổi Luật Việc làm.

Liên hệ với vấn đề cải cách chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội thông tin, như vậy, từ 1/7 năm nay, cả khu vực công và tư cùng được tăng lương. Thời gian tới Nhà nước cũng chỉ đóng vai trò điều phối, còn việc trả lương, trả thưởng cụ thể cho người lao động thuộc quyền của doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam đã huy động được 560.000 tỷ đồng để cải cách chính sách tiền lương cho khu vực công từ nay đến hết năm 2026.

Đề xuất tăng ngày nghỉ dịp lễ, tết trong năm

Trước đó tại phần phát biểu ý kiến, Ban Tổ chức đã nhận được 10 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị.

Trong đó, bà Trần Thị Hằng, cán bộ Công đoàn quận Dương Kinh (TP Hải Phòng) nêu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa Bộ luật Lao động theo hướng điều chỉnh ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 tăng thêm 2 ngày để có thể nghỉ liên tục từ 2/9 đến hết 5/9.

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nước muốn học Việt Nam cách tăng tuổi nghỉ hưu - 3

Cử tri Phan Thị Lệ Thủy phát biểu ý kiến (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Thực tế dịp nghỉ lễ 2/9 rất gần với ngày khai giảng năm học mới của con trẻ. Do đó, nhiều phụ huynh muốn được nghỉ ngày 5/9 để được đưa con đến trường dự lễ khai giảng", bà Hằng nêu ý kiến.

Bà Hằng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung.

Quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, bà Phan Thị Lệ Thủy, công nhân một công ty sản xuất giày trên địa bàn Hải Phòng mong Quốc hội, Chính phủ giám sát chặt chẽ việc xây dựng đơn giá, trình tự, thủ tục bán nhà ở xã hội một cách công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nước muốn học Việt Nam cách tăng tuổi nghỉ hưu - 4

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri (Ảnh: Nguyễn Dương).

Được sự phân công của Chủ tịch Quốc hội giải đáp một số ý kiến cử tri nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải thích, vấn đề bổ sung 2 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh, ngoài ý nghĩa động viên người lao động thì sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đó là 2 ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động.

Ông Dung nhấn mạnh, khi so sánh về thời gian nghỉ lễ, tết giữa các quốc gia cũng cần so sánh tương quan với tổng quỹ thời gian làm việc trong năm theo quy định của pháp luật (bao gồm tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm tối đa).

So sánh, đánh giá năng lực cạnh tranh về lực lượng lao động thì thấy hiện tại, tổng quỹ thời gian làm việc của Việt Nam còn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và châu Á.

Vì vậy, đối với kiến nghị bổ sung ngày nghỉ trong năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phải phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số Hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Về kiến nghị hạ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non so với tuổi nghỉ hưu chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, chế độ hưu trí hay được gọi là chế độ tuổi già, là một trong các chế độ cơ bản của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi hết tuổi làm việc.

Theo quy định của pháp luật về BHXH, để được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ, từ đó đảm bảo sự cân đối và bền vững lâu dài của Quỹ BHXH.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều nước muốn học Việt Nam cách tăng tuổi nghỉ hưu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO