Chủ tịch Quốc hội đã bày tỏ quan điểm rất gay gắt khi nhấn mạnh thực tế hiện nay dù Luật Dược đã có 10 năm nhưng ngành dược không phát triển và người Việt vẫn không có thuốc tốt để dùng.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tờ trình về Luật Dược (sửa đổi),Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, lần đầu trình ra Quốc hội nên Bộ Y tế cần báo cáo Quốc hội tình trạng sản xuất thuốc Tây, Nam một cách cụ thể và đề ra biện pháp khắc phục tình trạng yếu kém hiện nay.
Tuy nhiên, Luật Dược lần này vẫn chỉ thấy nêu ra những vấn đề nhỏ như thời gian cấp phép, gia hạn cấp phép mà không toát lên được những quan điểm chủ đạo.
“Phải khắc phục tình trạng 10 năm nay có Luật nhưng ngành Dược vẫn chưa phát triển. Sản xuất dược vẫn thế, vùng nguyên liệu vẫn thế. Người Việt Nam vẫn chết trên đống thuốc. Thuốc trên thế giới chất lượng tốt thế mà không được dùng, không có cách gì để dùng. Mặc dù kiểm tra đủ thứ rất khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chua chát nói.
Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận10 năm thi hành Luật Dược nhưng không đạt những hiệu quả bứt phá.
“Hiện 90% thuốc là nguyên liệu nhập, thuốc Việt Nam mới đáp ứng chưa được 50% nhu cầu. Thuốc nào chúng ta làm được trong nước thì nguyên liệu nhập đến 90%. Tức là nguyên liệu làm thuốc chúng ta không được”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.
Vì vậy, ông Hùng cho rằng ngành y tế khó có thể giải thích trước nhân dân, trước Quốc hội về ý kiến “Người Việt Nam chết trên đống thuốc” từng được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu ra.
Hiện nay, báo cáo cho thấy Việt Nam có nhiều nhà máy dược nhưng thực chất là bào chế, không biết nghiên cứu khoa học về thuốc. Công nghệ sản xuất thuốc lạc hậu, chủ yếu mua nguyên liệu.
"Tôi một lần mua gói thuốc, nhờ công an kiểm tra thì thực chất là thuốc Tây giã nhỏ, cho với bột gạo, mật ong viên lại… Nói thế để thấy rằng sản xuất thuốc của chúng ta đang trong tình trạng như thế. Tất cả vùng nguyên, nhiên dược liệu của Việt Nam không phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng thực tế.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo luật cần phải khắc phục những hạn chế này và phải báo cáo rõ trước Quốc hội.
“Luật này phải khắc phục được việc đó. Từ nguyên liệu cho đến chế biến cả thuốc Tây, thuốc Nam, cả nghiên cứu khoa học và phải mở ra được hướng cạnh tranh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật Dược ra đời là mở ra cơ hội làm ăn cho những người trồng cây thuốc, lấy nguyên liệu, chế biến, sản xuất thuốc.
“Đăng ký kinh doanh đang phấn đấu 1 ngày cho đăng ký, nhưng trong ngành Dược có khi lên tới 18 tháng. Dễ có tiêu cực ở trong đó”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Vì vậy, ban soạn thảo Luật Dược lần này phải chú ý quan điểm quản lý nhà nước phải tạo điều kiện tự do sản xuất kinh doanh thuốc dễ dàng, công tác quản lý nhà nước thuận lợi.
Công tác quản lý nhà nước chỉ cần đưa ra những điều kiện tối thiểu liên quan trực tiếp đến mạng sống của con người.
Ngoài ra, những thành tựu khoa học trên thế giới về sản xuất thuốc là rất tiến bộ nên phải có cơ chế để nhập khẩu những công nghệ sản xuất thuốc mới nhất để về cho người dân sử dụng.
“Ở đâu có thuốc tốt thì có thể liên hệ, hợp tác mang về cho dân dùng. Mua công nghệ về để trong nước sản xuất. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm điều ấy. Phải chuyển động để sang năm có thể phát triển ngành dược như thế. Không có ngành nào phát triển chậm như ngành này. 180 doanh nghiệp nhưng thực chất chỉ là các bàn bào chế. Không có gì ghê gớm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Hùng kết luận rằng người Việt nam thông minh, các nhà đầu tư cũng rất giỏi nên phải tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dược phát triển.