Chủ tịch Quốc hội: Đừng lo thay cho người ta ở chỗ này...

24/08/2023 20:00

Chủ tịch Quốc hội cho hay vấn đề không phải bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn mà là kiểm soát được dòng tiền; đừng lo thay vì thực tế các tập đoàn kinh doanh bất động sản tự phân phối rất nhiều...

Không bắt buộc giao dịch qua sàn

Chiều 24/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo đã gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật này.

Về vấn đề sàn giao dịch bất động sản, nhiều ý kiến đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Một số ý kiến nhất trí về quy định các loại giao dịch bất động sản thông qua sàn.

Chủ tịch Quốc hội: Đừng lo thay cho người ta ở chỗ này... - 1

Phiên họp diễn ra chiều 24/8 (Ảnh: Duy Linh).

Trong báo cáo, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho thấy các sàn giao dịch bất động sản hiện nay không bảo đảm minh bạch, đồng thời không bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch vì sàn giao dịch bất động sản là một bên hưởng lợi ích trong quan hệ giao dịch.

Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, theo Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.

Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Vấn đề không phải sàn giao dịch hay không

Sau các trao đổi của Ủy ban Kinh tế và các Bộ liên quan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong tờ trình lên Chính phủ đang mong muốn các giao dịch bất động sản bắt buộc thông qua sàn giao dịch, theo đó đưa ra 2 phương án khuyến khích và bắt buộc thông qua sàn.

Hiện nay, giao dịch bất động sản cũng vẫn khuyến khích nhưng thực tế có một số hệ lụy về tính minh bạch, công khai. Do khuyến khích nên các điều kiện quy định, yêu cầu của sàn giao dịch không được quy định rõ ràng. Vì vậy, thời gian vừa qua giao dịch bất động sản gây hệ lụy ảnh hưởng nhiều đến người mua, có những tình trạng tranh chấp, chủ đầu tư không công khai minh bạch giao dịch của mình.

Đại diện Bộ Xây dựng lấy dẫn chứng để kiểm soát thị trường trái phiếu, hiện cũng đã có sàn giao dịch riêng. Bộ Xây dựng đề xuất giữ quy định giao dịch kinh doanh bất động sản qua sàn để chống thất thu, công khai, minh bạch, bảo vệ cho người mua. Điều này còn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Đừng lo thay cho người ta ở chỗ này... - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nếu sàn giao dịch chuyên nghiệp thì không bắt buộc các bên cũng sẽ tham gia nhưng nếu sàn không chuyên nghiệp thì dù quy định bắt buộc cũng có cách để lách (Ảnh: Duy Linh).

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng quan trọng là kiểm soát được dòng tiền, thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu thanh toán qua ngân hàng hết thì có sàn hay không có sàn thì vẫn minh bạch.

Vấn đề quan trọng không phải ép người ta lên sàn mà vấn đề quan trọng hơn là giao dịch, kiểm soát được dòng tiền. Thị trường có nguyên tắc vận hành tự do của thị trường. Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ có thời kỳ chúng ta đã phải trả giá đắt về sàn giao dịch, ví dụ như sàn giao dịch vàng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không phải giao dịch nào lên sàn cũng kết nối được người mua và người bán, ví dụ đối với thị trường chứng khoán cũng có nhiều sàn khác nhau. Cứ không phải có sàn giao dịch là tốt.

"Cần thông suốt nhận thức ở chỗ này. Đừng lo thay cho người ta ở chỗ này. Các tập đoàn kinh doanh bất động sản tự phân phối rất nhiều, tổ chức công ty phân phối, hệ thống phân phối, tổ chức kết nối thanh toán không dùng tiền mặt thì tự nhiên minh bạch, có dữ liệu thôi", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết nếu sàn giao dịch chuyên nghiệp thì không bắt buộc các bên cũng sẽ tham gia. Nhưng nếu sàn giao dịch không chuyên nghiệp thì dù quy định bắt buộc cũng có cách để lách.

Phát biểu tiếp thu ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho biết thực tế việc quản lý các sàn giao dịch bất động sản hiện nay hết sức lỏng lẻo, chưa có quy định được về pháp lý để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đưa vào giao dịch.

Chính phủ khuyến khích phát triển sàn giao dịch của các nhà kinh doanh bất động sản trong hệ thống phân phối đồng thời quy định pháp lý để các sàn này hoạt động minh bạch, công khai, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm.  Về pháp luật cần quy định cụ thể, tiêu chuẩn hóa về sản phẩm, sàn giao dịch.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ thành lập sàn giao dịch quốc gia. Đây có thể hình thành để các tổ chức doanh nghiệp sự nghiệp hoặc đơn vị dịch vụ công để Chính phủ có thể kiểm soát được toàn bộ dữ liệu về bất động sản.

Chính phủ khuyến khích các đơn vị kinh doanh bất động sản đưa sản phẩm lên đây và miễn phí, bảo đảm tính pháp lý, quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay bất cập và rủi ro thị trường bất động sản chủ yếu từ bất động sản hình thành trong tương lai. Chính phủ kiến nghị các doanh nghiệp bất động sản phát triển loại hình sản phẩm này bắt buộc phải đưa lên sàn này.

Điều này sẽ giúp tiêu chuẩn hóa về năng lực tài chính, năng lực pháp lý của các dự án. Về hệ thống thông tin, sàn gồm sàn giao dịch bất động sản và tài sản là quyền sử dụng đất. Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ triển khai sàn này, thực hiện quản lý và chia sẻ dữ liệu về đất đai từ các Bộ ngành liên quan.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Chủ tịch Quốc hội: Đừng lo thay cho người ta ở chỗ này...
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO