Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, tỉnh này đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, kiềm chế, giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Qua rà soát, kiểm tra, phát hiện còn nhiều công trình, cơ sở tại địa bàn chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định. Nhiều chủ đầu tư, chủ cơ sở đã tích cực, chủ động, quyết tâm khắc phục các tồn tại, thiếu sót. Tuy nhiên quá trình thực hiện có một số bất cập.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Quảng Nam đề xuất một số giải pháp.
Theo ông Thanh, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 06:2022/BXD (gọi tắt là quy chuẩn) về an toàn cháy cho nhà và công trình là quy chuẩn PCCC bắt buộc để áp dụng thiết kế chung cho rất nhiều nhóm nhà và công trình.
Một số yêu cầu kỹ thuật quá cao so với thực tế, dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn.
Qua đó, đề xuất Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn riêng cho từng nhóm nhà, công trình, nhằm cụ thể hóa các yêu cầu kỹ thuật sát với thực tế hơn.
Đối với quy định khoang cháy, quy chuẩn cho phép diện tích khoang cháy của nhà sản xuất có bậc IV chịu lửa được tăng đến 25.000m2.
Nội dung này, theo ông Thanh, đối với những công trình đã thi công trước thời điểm quy chuẩn có hiệu lực (16/1/2023) có diện tích khoang cháy nhỏ hơn quy chuẩn thì không phải thực hiện giải pháp bảo vệ kết cấu để nâng bậc chịu lửa cho công trình theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.
Về tổ chức thực hiện TCVN 3890-2023 (tiêu chuẩn PCCC cho nhà và công trình), hiện có một số công trình thuộc diện phải thiết kế và lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động theo tiêu chuẩn này nhưng thực tế không thể lắp đặt được.
Nguyên nhân nhà xưởng có không gian rộng, đối lưu không khí, thoát khói khi có cháy nên không thể lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng khí.
Không thể lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động có chất chữa cháy bằng nước, vì khi dây chuyền công nghệ bị nước làm ướt sẽ gây ra thiệt hại nặng hơn do cháy gây ra.
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, tiêu chuẩn cần quy định cụ thể cho loại hình cơ sở đặc thù để thực hiện.
Ngoài ra, theo TCVN 3890-2023, quy định gian phòng sản xuất thuộc hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có diện tích từ 300m2 trở lên; hạng C, tầng trên mặt đất có diện tích 1.000m2 trở lên phải thiết kế hệ thống chữa cháy tự động.
Chủ tịch Quảng Nam cho rằng quy định này khó thực hiện vì mức đầu tư hệ thống chữa cháy tự động bằng nước sprinkler lớn, phải đảm bảo diện tích để bố trí trạm bơm và bể nước ngầm có khối tích lớn, trong khi đó, quy mô của cơ sở rất nhỏ, nên khó thực hiện.
Theo đó, đề xuất Bộ KH-CN xem xét sửa đổi, điều chỉnh gian phòng sản xuất thuộc hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có diện tích từ 1.000m2 trở lên, gian phòng sản xuất thuộc hạng nguy hiểm cháy, nổ C, tầng trên mặt đất có diện tích 5.000m2 trở lên mới bắt buộc trang bị hệ thống chữa cháy tự động.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam còn đề xuất đối với cơ sở, công trình đưa vào hoạt động trước thời điểm quy chuẩn có hiệu lực mà chưa được thẩm duyệt hoặc chấp thuận thẩm duyệt thiết kế về PCCC, không yêu cầu thẩm duyệt về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP mà thực hiện kiểm tra thực tế, xác định điều kiện an toàn PCCC để giải quyết cho doanh nghiệp.