Tại Hội nghị Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022 diễn ra sáng 18/2, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá, công tác cải cách hành chính của địa phương này có ý nghĩa lớn, vượt khỏi ranh giới một địa phương và có sự tác động lớn đến kinh tế - xã hội cả nước.
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, năm 2021, địa phương đã "vừa chạy, vừa xếp hàng" khi vừa phải tập trung phòng, chống dịch, vừa phải lo sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, vận hành theo mô hình chính quyền đô thị và triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Dù đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên, thành phố có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được trong năm đầu nhiệm kỳ.
"Trong cải cách hành chính, chúng ta đã nỗ lực lớn. Thật ra, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã chiếm hầu hết thời gian, công sức, lực lượng nên công tác tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp lại con người cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Phối hợp, liên thông là điểm tắc lớn của TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, tại buổi họp của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM hay buổi kiểm điểm Ban Cán sự Đảng UBND thành phố diễn ra trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc phối hợp giữa các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính là điểm tắc lớn của địa phương này chưa thể giải quyết. Đây là vấn đề các cấp, các ngành cần phân tích sâu, kỹ để lên kế hoạch hành động.
"Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố xác định đây là vấn đề trọng tâm cần rà soát lại và tháo gỡ. Thành phố cần có chỉ thị về công tác cải cách hành chính hay chỉ thị về những nội dung cụ thể, trong đó có quy chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính", ông Phan Văn Mãi nêu định hướng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nêu ra bài học, ở cấp Trung ương, Thủ tướng đã thành lập một tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chịu trách nhiệm kiểm tra các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng hoặc thay mặt Thủ tướng thúc đẩy tiến độ xử lý công việc.
Đối với TPHCM, toàn địa bàn cần thành lập các tổ công tác để giải quyết từng nhóm, từng việc. Các ngành, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần lên danh sách các công việc cần giải quyết, kiểm đếm công việc, kiểm tra tiến độ xử lý vụ việc theo từng tháng.
Điểm hạn chế tiếp theo trong công tác cải cách hành chính được ông Phan Văn Mãi nêu rõ là một bộ phận cán bộ, công chức do tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực hạn chế, e ngại nên còn e dè trong tham mưu, làm tiến độ công việc chậm đi. Do vậy, cấp ủy, ban lãnh đạo từng đơn vị cần có biện pháp động viên tinh thần, nâng cao năng lực để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực làm đúng chức trách của mình.
Chiếc áo cơ chế nào phù hợp cho TPHCM?
Trong những nhiệm vụ cần gấp rút triển khai năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM thống nhất việc thực hiện sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường và thành lập thành phố Thủ Đức. Trong đó, từng quận, huyện, sở, ngành cần sơ kết, nhận diện vấn đề tồn tại và đưa ra hướng khắc phục.
"TPHCM là một đô thị lớn, năng động nên đòi hỏi những phản ứng nhanh, kịp thời nhận diện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, mô hình, cách làm hay để rút kinh nghiệm hay nhân rộng", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Trong năm 2022, TPHCM cũng thực hiện tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM đưa ra 2 hướng đi tiếp theo đối với nội dung này.
Trong đó, TPHCM có thể đề xuất gia hạn có bổ sung, điều chỉnh một số điều đối với những cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương. Hướng còn lại, theo ý kiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học, TPHCM cần cơ chế không chỉ đặc thù mà còn phải đột phá, vượt trội để phát triển.
"Hà Nội có Luật Thủ đô, nên chăng, TPHCM cần có Luật Đô thị đặc biệt. Điều này sẽ giúp thành phố có cái áo phù hợp, đẹp và vừa vặn hơn. Chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ, trăn trở để có hướng phù hợp nhất khi tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54", Chủ tịch UBND TPHCM nêu quan điểm.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM diễn ra cuối năm 2021, nhiều đại biểu cùng chung ý kiến, địa phương cần chuẩn bị các phương án cho việc thay thế hoặc kéo dài Nghị quyết 54 của Quốc hội.
"Nhiều đại biểu của Đoàn Đại biểu TPHCM là lãnh đạo Trung ương. Thành phố có thể chủ động đặt hàng Ủy ban Pháp luật Quốc hội trong việc xây dựng các Nghị quyết mới hoặc xây dựng luật đô thị đặc biệt để thay thế Nghị quyết 54", ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nêu quan điểm.