Giữa bối cảnh xe điện VinFast thâm nhập thị trường Mỹ đầy thách thức, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn VinGroup đã có những phát biểu đầy tâm huyết trước các nhân viên của mình trong một buổi đào tạo nội bộ gần đây.
Mở đầu buổi hội thảo này, ông Phạm Nhật Vượng đã nhấn mạnh: "VinFast không làm chính trị, cũng không lẫn lộn kinh doanh với công việc xã hội. VinFast rõ ràng là một dự án kinh doanh. Chỉ có điều VinFast là dự án kinh doanh được lập ra với sứ mệnh cao cả. Đó là xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam cao cấp và có đẳng cấp trên thị trường quốc tế".
"Dự án này không chỉ để người Việt Nam tự hào mà tất cả những người tham gia vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu này dù họ đang ở đâu và mang quốc tịch nào đều có thể tự hào. Vì đây là sản phẩm phục vụ cho việc phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, giúp cho nhân loại có cuộc sống an toàn hơn, tốt hơn", ông Phạm Nhật Vượng nói.
Người sáng lập VinFast khẳng định với các nhân viên: "Chính vì sứ mệnh cao cả này, nên dù vô vàn khó khăn, ban lãnh đạo Tập đoàn quyết tâm làm và sẽ làm cho bằng được”.
Ông cũng thẳng thắn nêu ra 3 khó khăn của VinFast: xuất phát điểm rất thấp, chuẩn mực hướng tới lại rất cao với sản phẩm công nghệ có độ phức tạp lớn và nguồn vốn cần đầu tư lớn.
Trong điều kiện đó, để đáp ứng 3 cam kết trọng tâm của VinFast cho khách hàng là sản phẩm tốt, giá tốt, dịch vụ hậu mãi cực tốt thì còn rất nhiều việc phải làm và phải làm ngay.
Ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ: "Việc xây dựng thương hiệu quốc gia đẳng cấp quốc tế không phải là việc mà một doanh nghiệp có thể tự mình làm nên mà cần sự ủng hộ của cả dân tộc. VinFast tiên phong, làm gương và kêu gọi sự đồng hành của tất cả mọi người và trước hết là người VinFGroup phải hiểu, tự hào và hành động cho niềm tự hào đó".
"Trước hết, sẽ thật không đúng nếu người VinGroup, VinFast không lan toả được tinh thần đó, lại không hiểu hết được các giá trị, cam kết trọng tâm cũng như sứ mệnh và giá trị mà VinFast dành cho khách hàng", Chủ tịch Tập đoàn VinGroup nhắc nhở.
Ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn nói với nhân viên: "Chúng ta đang làm việc rất kém và cần phải thay đổi".
"Đồng thời, có 3 cam kết trọng tâm chúng ta cũng làm chưa tốt. Xe vẫn còn nhiều lỗi dù đã khắc phục nhanh được phần lớn các lỗi. Kinh doanh thì chỉ biết khuyến mại, hậu mãi thì yếu. Tất cả việc này chúng ta phải chấn chỉnh trong tháng 3 này", chủ tịch Phạm Nhật Vượng đánh giá.
Sau những thông tin tóm lược cơ bản đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã yêu cầu các nhân viên của mình phải chủ động hành động để hiện thực hoá 3 cam kết trên.
Đầu tiên là luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ tất cả mọi người. 70.000 cán bộ nhân viên là 70.000 nguồn tin giúp VinFast lắng nghe ý kiến khách hàng và nhanh chóng cải thiện sản phẩm, dịch vụ.
Thứ hai là lan toả các giá trị để khách hàng hiểu được giá trị thực sự của các sản phẩm.
"Không có lý do gì khách hàng phải lo lắng khi sử dụng sản phẩm của VinFast. Nếu có bất kỳ điều gì phát sinh, VinFast sẽ chịu trách nhiệm bảo hành chu đáo, cực tốt trong vòng 10 năm. Chúng ta bảo hành 10 năm, các hãng chỉ bảo hành 5 năm, tại sao khách hàng còn phải lo lắng?", ông Vượng phân tích.
Điều cuối cùng, người đứng đầu VinGroup yêu cầu các nhân viên "hãy tự mình trải nghiệm sản phẩm của VinFast rồi so sánh với sản phẩm của các thương hiệu nhập khẩu khác để thấy sự khác biệt rõ nét về giá trị".
“Sản phẩm tốt, giá tốt và dịch vụ hậu mãi cực tốt” là lời hứa thương hiệu mà bất kỳ người VinGroup, người VinFast nào cũng phải có trách nhiệm chung tay thực hiện và tự hào về điều đó", chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.
Những thông điệp trên được Chủ tịch VinGroup đưa ra trong bối cảnh có khá nhiều thông tin hoài nghi về chiến lược mang chuông đi đánh xứ người của VinFast trên đất Mỹ. Trong đó, việc cần huy động nguồn vốn lớn và các kế hoạch cắt giảm nhân sự để tái cơ cấu bộ máy ít nhiều làm dấy lên thông tin hoài nghi về sự ổn định của VinFast.
Do đó, giai đoạn hiện tại đang chứng kiến những thời khắc quan trọng mang tính sống còn cho hình ảnh của hãng xe điện made in Vietnam.
Ngày 1/3 vừa qua, sau 2 lần phải trì hoãn, VinFast đã bàn giao 45 chiếc xe điện VF 8 City Edition đầu tiên cho khách hàng Mỹ tại 9 cửa hàng VinFast Store. Đây là những chiếc xe đầu tiên trong số 999 chiếc đã "lên đường" rời cảng Hải Phòng để sang Mỹ ngày 25/11/2022. Trước đó, cuối tháng 2/2023, hãng xe điện Việt Nam đã chính thức được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp xe điện tổng vốn 4 tỷ USD tại Bắc Mỹ.
Theo VinFast, lượng đơn đặt hàng ở thị trường quốc tế được ghi nhận là 65.000 xe điện VinFast VF 8 và VF 9. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu trong năm nay.
Đáng chú ý, theo IRIS (cơ quan thuế thuộc Bộ Tài chính Mỹ) vừa công bố, xe điện VF đã lọt vào danh sách đạt điều kiện cho Chương trình ưu đãi xe điện của Mỹ, nghĩa là khách mua xe VF cũng sẽ được hưởng ưu đãi 7.500 USD của Chính phủ Mỹ.
Thị trường nước ngoài là mục tiêu số 1 của VinFast trong năm 2023. Sự thành bại của VF 8, VF 9 cũng chính là mấu chốt quyết định kết quả của kế hoạch IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ tới đây của Tập đoàn này.
Tại Việt Nam, VinGroup có xuất phát điểm là Tập đoàn chuyên đầu tư, kinh doanh bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ. Từ năm 2019, VinGroup chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao. Theo đó, VinFast được thành lập, ban đầu sản xuất xe xăng nhưng từ năm 2021, tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố khai tử xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Đây được coi là dự án đầu tư mạo hiểm nhất nhưng cũng là cuộc chơi hấp dẫn nhất của VinGroup trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.