Thông tin trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết tại họp báo thường kỳ chiều 23/11.
Theo đó, đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới và là lần thứ tư Chủ tịch nước Việt Nam thăm Nhật Bản kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm cũng diễn ra vào năm 2023, đánh dấu 50 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và 9 năm hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược sâu rộng.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, dự kiến trong chuyến thăm các ngày 27-30/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu cũng như các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản, phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản và dự lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, cùng một số hoạt động khác.
Trước câu hỏi về khả năng hai nước nâng cấp quan hệ song phương nhân chuyến thăm này, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
"Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với tất cả đối tác, trong đó có Nhật Bản trên cơ sở cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", bà Hằng nói.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Những hoạt động trao đổi đoàn, trong đó có cấp cao và các cấp, cũng được đẩy mạnh.
Hiện Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam; là nước cung cấp ODA lớn nhất; là đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư, du lịch và thứ tư về thương mại.
Hợp tác giữa các địa phương không ngừng được đẩy mạnh với khoảng 100 cặp quan hệ địa phương Việt Nam - Nhật Bản.