Tại hội nghị, hơn 150 cử tri đại diện cho người dân sinh sống tại trung tâm TPHCM đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề của ngành y tế thời gian qua, cũng như định hướng phát triển đất nước và thành phố trong thời gian tới.
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, buổi tiếp xúc cử tri này có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và nhiều cơ quan khác của chính quyền. Do đó, đây là dịp để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ý chí và nêu lên các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.
Cần lập lại trật tự cho ngành y
Là người đầu tiên nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Bá Hà (cử tri phường Bến Nghé) bày tỏ sự biết ơn đến đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu đã tận tụy chăm sóc, chữa bệnh cho người dân trong đợt bùng phát dịch Covid-19. Cũng trong khoảng thời gian này, vai trò, tầm quan trọng của tuyến y tế cơ sở ngày càng rõ nét.
"Theo số liệu được công bố, từ đầu năm đến nay, thành phố có tới hơn 1.400 cán bộ y tế cấp phường, xã, quận, huyện nghỉ việc, bỏ việc, chuyển sang ngành khác hoặc chuyển sang y tế tư nhân. Câu hỏi đặt ra là vì sao lúc nước sôi lửa bỏng, nguy hiểm khó khăn họ không rời nhiệm sở, mà khi dịch bệnh được kiểm soát họ lại nghỉ việc", cử tri phường Bến Nghé đặt vấn đề.
Ông Trần Bá Hà cho rằng, cán bộ ngành y cấp cơ sở không trụ lại được với nghề chủ yếu do thu nhập, đời sống còn thấp. Cử tri cho rằng mô hình tổ chức y tế cơ sở theo cách thức cũ đã không còn phù hợp.
Cử tri mong muốn Chính phủ và TPHCM nghiên cứu toàn diện về việc phát triển năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Các giải pháp căn cơ về nhân sự, cơ sở vật chất, đặc biệt là chính sách đãi ngộ cần được quan tâm nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống y tế, đề phòng các đợt dịch lớn có thể tái diễn trong tương lai.
Ngoài ra, vị cử tri của quận 1 cũng bày tỏ quan ngại trước việc một số cán bộ đầu ngành, cán bộ chủ chốt của ngành y bị xử lý thời gian qua. Ông Trần Bá Hà cho rằng, dù số lượng cán bộ ngành y "có vấn đề" chỉ là thiểu số, nhưng cũng là điều đáng lo ngại cho người dân.
Cùng ý kiến trên, cử tri Phạm Quang Lâm (phường Đa Kao) đặt câu hỏi với Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội, về những biện pháp cụ thể nhằm ổn định tổ chức bộ máy y tế, củng cố niềm tin của người dân. Cử tri nhận định rằng những sự việc tiêu cực phát hiện gần đây sẽ tác động xấu, có thể làm giảm nhiệt huyết của y, bác sĩ, suy giảm lòng tin của người dân.
Ngoài ra, nhiều cử tri khác tại quận 1 nêu nhiều ý kiến tới các đại biểu về vấn đề giáo dục văn hóa, tâm lý cho trẻ em, vấn đề bạo lực gia đình và các chính sách cho cán bộ cấp cơ sở. Bên cạnh đó, những bất cập trong phát triển đô thị, ngập nước, ô nhiễm môi trường cũng được người dân phản ánh thẳng thắn đến Chủ tịch nước và nhiều đại biểu có mặt.
Đã xử lý nghiêm những vi phạm trong ngành y tế
Trong phần trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành phần lớn thời gian để nói về những thành tựu của đất nước và TPHCM trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, cùng sự thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Người đứng đầu Nhà nước đánh giá, TPHCM đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, đạt mức 70%-80% so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Thành quả này đến từ sự nỗ lực, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc của toàn hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn.
Chủ tịch nước cho biết, các doanh nghiệp trong nước đã từng bước phục hồi, đời sống, việc làm, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm trên phạm vi quốc gia. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của thế giới như lạm phát, xung đột, giá năng lượng tăng, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định.
Chủ tịch nước cho rằng những vấn đề của y tế cơ sở đang được người dân quan tâm. Ông đề nghị thành phố tiếp tục có chương trình cụ thể nhằm giám sát, củng cố y tế cơ sở, đặc biệt là chính sách cho cán bộ y tế trong thời gian tới.
Về các sai phạm xảy ra trong ngành y tế thời gian qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh đã được xử lý nghiêm. Một số cán bộ tham ô, tiêu cực trong lĩnh vực y tế đã bị xử lý.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay, sau 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, không theo kịp sự phát triển, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn thấp.
"Cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ cấp phường, xã cần rà soát, có phương án hỗ trợ người nghèo, khó khăn, già yếu, không để ai bị đứt bữa, thiếu cơm, lạt muối", Chủ tịch nước yêu cầu.