Sáng 17/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, những người đang có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nói riêng, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Cùng dự có lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị thế chiến lược quan trọng. Đặc biệt, đồng bào, cán bộ chiến sĩ các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đồng cam cộng khổ, có nhiều cống hiến cho đất nước trong hai cuộc kháng chiến trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Tuyên Quang hiện có hơn 20 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 57%. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Tuyên Quang, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên, thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Tỷlệ hộ nghèo giảm nhanh, độ che phủ của rừng lớn, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ; bà con tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trong các thành tựu đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương 1.119 người có uy tín trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp tích cực, luôn là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống của các dân tộc và là những hạt nhân của sự đoàn kết.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta, đã triển khai nhiều chương trình lớn phát triển kinh tế- văn hoá - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để cụ thể hóa chủ trương này.
Nhắc lại phát biểu củaTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác,Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúcmong những người có uy tíntiếp tục phát huy.
"Việc rất quan trọng của lãnh đạo và người có uy tín là quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh đối với vùng đồng bào dân tộc. Hệ thống chính trị đó phải gần dân hơn, hiểu dân hơn, trọng dân hơn và hết mực phục sự nhân dân. Quan tâm chăm lo xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số" - Chủ tịch nước cho biết.
Thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương, trong đó có tỉnh Tuyên Quang tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay.
Thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín và gia đình họ, góp phần động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo điều kiện cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho người dân phát triển kinh tế xã hội cũng như thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị những người có uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế thì cần khuyến khích, động viên từng gia đình giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và phát huy các giá trị văn hóa đó trong đời sống, xã hội.