Chủ tịch Hội Dinh dưỡng: Có những bé nhẹ cân, thấp còi ngay trong bụng mẹ

Thùy Linh| 07/07/2022 22:43

Dù thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, đều dẫn đến rối loạn chuyển hóa, kéo theo những hội chứng chuyển hóa, hậu quả là giảm tuổi thọ, gây tử vong và các biến chứng nặng nề mà cả xã hội phải gánh chịu.

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng: Có những bé nhẹ cân, thấp còi ngay trong bụng mẹ
PGS.TS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam. Ảnh: PV

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho hay: Tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân của trẻ em tại Việt Nam giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 11,5% năm 2020. Nhưng tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì lại tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm "Dinh dưỡng và những biện pháp can thiệp hiệu quả" do Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam và Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7.7 tại Hà Nội. 

"Thừa cân béo phì là căn bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể chất; khẩu phần dư thừa chất bột tinh chế, quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, nhiều chất béo, muối.

Bên cạnh đó, sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều và một số nguyên nhân khác như di truyền, rối loạn nội tiết và chuyển hóa… Trong khi đó, suy dinh dưỡng thường là hậu quả của bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng", ông Khái cho biết. 

Ông Khái cho rằng Việt Nam đang đứng giữa "2 bờ vực thẳm" của thiếu dinh dưỡng và thừa dinh dưỡng. Những năm thế kỷ 20, chúng ta nai lưng gánh chịu hậu quả của thiếu dinh dưỡng, xuất hiện bệnh cảnh và những ca tử vong điển hình nhưng bắt đầu sang thế kỷ 21, chúng ta gánh tiếp gánh nặng bệnh thừa cân, béo phì.

Dù thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, đều dẫn đến rối loạn chuyển hóa, kéo theo những hội chứng chuyển hóa, hậu quả là giảm tuổi thọ, gây tử vong và các biến chứng nặng nề mà cả xã hội phải gánh chịu.

"Gánh nặng kép này lại ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, có những em bé nhẹ cân, thấp còi ngay trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em sơ sinh trên 3.500 gam cũng đang tăng lên, cùng với đó là không ít bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ... Tất cả các yếu tố đó đều gây ảnh hưởng đến ngày sinh đầu đời của trẻ em, sau đó là các bệnh mãn tính không lây nhiễm đeo bám suốt cuộc đời"- ông Khái nhấn mạnh.

Theo ông Khái, để cải thiện vấn đề này cần có những nỗ lực liên ngành từ trung ương đến địa phương, cần tăng cường quản lý trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, cần phải quản lý "vòng tròn" cả ở cộng đồng, gia đình, các cơ sở y tế...

"Chúng ta cần nâng cao nhận thức và thực hành cho cả cộng đồng bao gồm cả lãnh đạo quản lý, người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh và người tiêu dùng; tất cả vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người, hạn chế những hệ lụy bệnh tật", ông Khái nói.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng thừa cân béo phì hiện nay, GS.TS Phan Thị Kim- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam- cho biết: "Thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do mất cân bằng dinh dưỡng và lười vận động.

Do đó về dinh dưỡng, cần tập trung vào các giải pháp cung cấp chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa các nhóm thực phẩm; về lối sống, cần tăng cường hoạt động thể chất, vận động.

Đồng thời, các nhà sản xuất, cần cung cấp thông tin trên nhãn hàng hóa, thực phẩm; các cơ quan hữu quan cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, triển khai các chiến dịch/chương trình tuyên truyền giáo dục hiệu quả".

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019- 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Tỉ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP. Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng: Có những bé nhẹ cân, thấp còi ngay trong bụng mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO