Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ, trong khuôn khổ chuyến thăm châu Á, tối (2/8, theo giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng đoàn các nghị sỹ Mỹ đã đặt chân tới Đài Loan (Trung Quốc), trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ thăm vùng lãnh thổ này trong vòng 25 năm qua. Thông tin này đã dấy lên một làn sóng các quan điểm trái chiều, tất nhiên cả những phản ứng chỉ trích kịch liệt từ phía Trung Quốc.
Chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà Pelosi
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tối muộn 2/8 đã tới Đài Loan để bắt đầu chuyến thăm thăm chính thức Đài Loan đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong vòng 25 năm. Ngay khi tới Đài Loan, văn phòng của bà Pelosi đã ra thông cáo báo chí và bản thân bà Pelosy cũng đã có bài viết trên tờ Washington Post về mục đích chuyến đi của mình.
Bà Pelosi cho biết, chuyến thăm của đoàn nghị sỹ Mỹ tôn trọng cam kết không đổi của Mỹ trong việc ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan và đây là một phần của chuyến công du Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực an ninh tương hỗ, đối tác kinh tế...
Nội dung thảo luận giữa đoàn nghị sỹ Mỹ với giới chức Đài Loan sẽ tập trung tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với đối tác Đài Loan và thúc đẩy các lợi ích chung bao gồm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bà Pelosi cũng nhấn mạnh rằng đây là một trong nhiều chuyến thăm của các nghị sỹ Mỹ tới Đài Loan và không đi ngược lại chính sách lâu dài của Mỹ được chỉ dẫn bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979, Các thông cáo chung Mỹ-Trung và 6 Đảm bảo. Cũng theo bà Pelosi, Mỹ tiếp tục phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan.
Nhà Trắng cho biết, chuyến thăm của bà Pelosi phù hợp với chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ các hành động của Trung Quốc sau khi bà Pelosi rời Đài Loan. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng khẳng định cam kết của Mỹ theo Đạo luật quan hệ Đài Loan đồng thời cho rằng không có lý do gì để chuyến thăm của bà Pelosi khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào xung đột.
Một nhóm 26 Thượng nghị sỹ Cộng hòa bao gồm nhiều tiếng nói từng chỉ trích bà Pelosi đã ra tuyên bố chung ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Các Thượng nghị sỹ này bao gồm lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnel nhấn mạnh rằng chuyến thăm của bà Pelosi phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Mỹ và hơn bao giờ hết, Mỹ cam kết đối với mọi yếu tố của Đạo luật quan hệ Đài Loan.
Phản ứng của Trung Quốc
Ngay khi máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Tân Hoa xã đã đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bày tỏ sự kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ.
Thứ trưởng Ngoại giao nước này Tạ Phong cũng đã triệu khẩn cấp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns ngay trong đêm 2/8 để “giao thiệp nghiêm khắc và phản đối mạnh mẽ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”, đồng thời chỉ trích chuyến thăm “đã tác động nghiêm trọng nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và gửi đi tín hiệu sai lệnh nghiêm trọng cho lực lượng ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập'”.
Tuyên bố cho rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là lãnh đạo đương nhiệm của Quốc hội Mỹ. Chuyến thăm của bà tới Đài Loan dưới mọi hình thức và vì bất kỳ lý do gì đều là hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng.
Tuyên bố nhấn mạnh, “Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Mỹ và lực lượng ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập’ sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả phát sinh”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong tuyên bố Bắc Kinh nói được làm được trong việc thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết. Ông cũng yêu cầu phía Mỹ “ngay lập tức sửa chữa sai lầm và thực hiện các biện pháp thiết thực để loại bỏ những ảnh hưởng xấu từ chuyến thăm của bà Pelosi”.
Ngoài Bộ Ngoại giao, các cơ quan khác, như Quốc hội, Văn phòng công tác Đài Loan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban đối ngoại của Chính hiệp (tức Mặt trận) Trung Quốc, Bộ Quốc phòng cũng đồng loạt ra tuyên bố phản đối, gọi chuyến thăm là “có bản chất vô cùng xấu xa và hậu quả hết sức nghiêm trọng”.
Trong đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang ở trong tình trạng cảnh giới cao độ và sẽ tiến hành một loạt các hành động quân sự đáp trả có mục tiêu”.
Ngay khi máy bay của bà Pelosi hạ cánh, quân đội Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện, bao gồm nội dung bắn đạn thật tại 6 khu vực quanh Đài Loan từ ngày 4 đến 8, đồng thời cấm tất cả tàu thuyền và máy bay đi vào các khu vực này. Chiến khu miền Đông - phụ trách 6 tỉnh, trong đó có Phúc Kiến, nhìn thẳng sang Đài Loan - cũng cho biết sẽ tiến hành các cuộc diễn tập phối hợp trên không và trên biển ở phía Bắc, Tây Nam và Đông Nam đảo Đài Loan từ tối ngày 2/8 và sẽ phóng thử tên lửa ở vùng biển phía Đông đảo Đài Loan.
Chuyến thăm ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực kiểm soát rủi ro của Mỹ và Trung Quốc
Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều sắp tổ chức các sự kiện chính trị lớn thì lãnh đạo hai nước đều không muốn để căng thẳng có thể biến thành xung đột vũ trang. Về phía Trung Quốc, nếu không có các hành động cứng rắn đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi thì uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20 có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, chuyến thăm này cũng tạo tiền lệ cho các giới chức Mỹ cũng như các nước khác, ví dụ như các nghị sỹ Anh, đi thăm Đài Loan trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ đặt Trung Quốc vào thế khó trong việc hoạch định chính sách đối với Đài Loan thời gian tới.
Về phía Mỹ, mặc dù Chính quyền Biden ban đầu phản đối nhưng rõ ràng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan cũng mang lại lợi ích không ít cho phe Dân chủ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới. Đối mặt với các khó khăn, thách thức trong nước, phe Dân chủ trước đây đã từng đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại để tạo đà, tăng uy tín trong cử tri. Trong trường hợp trên, nếu bà Pelosi không thực hiện được chuyến thăm thì thiệt hại cho uy tín của đảng Dân chủ và Chính quyền Biden có thể còn lớn hơn nhiều.
Đối với các nỗ lực kiểm soát rủi ro và mâu thuẫn, mặc dù chuyến thăm của bà Pelosi khiến căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, nhưng cũng không phải là không có cơ hội giúp duy trì ổn định giữa hai nước.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay các kênh liên lạc giữa hai nước vẫn được duy trì và tỏ ra có hiệu quả. Ví dụ như cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình trong tuần trước cũng đã phần nào khiến hai nước không bị bất ngờ trước các phản ứng của nhau.
Ngoài ra, các kênh liên lạc quân sự cũng dược duy trì, thậm chí còn thường xuyên hơn để tránh va chạm ngoài ý muốn trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng lực lượng, đẩy mạnh tập trận trong khu vực. Có thể thấy rằng, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục là xu thế không thể thay đổi, căng thẳng Mỹ-Trung nói chung và đặc biệt liên quan đến Đài Loan sẽ ở trong trạng thái bình thường mới. Chính vì thế, chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan lần này cũng được xem là liều thuốc thử đối với phản ứng, là bài kiểm tra năng lực quản lý rủi ro của cả Mỹ và Trung Quốc trong tình hình mới./.