Chủ quán karaoke mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại

CÔNG HIẾU| 25/03/2022 16:59

Sau thời gian dài đóng cửa vì COVID-19, các quán karaoke ở Hà Nội rất sốt ruột khi mọi dịch vụ khác đều đã được hoạt động nhưng kareoke thì vẫn chưa.

Sau khi Việt Nam mở cửa du lịch đón khách quốc tế, các loại hình dịch vụ cũng dần được khôi phục. Tại Hà Nội, hàng quán ăn uống tiếp tục mở bán sau 21h, phố đi bộ cũng được mở lại nhưng loại hình kinh doanh karaoke vẫn chưa được phép hoạt động.

Nhiều chủ quán karaoke vô cùng sốt ruột bày tỏ mong muốn sớm được mở cửa để mau chóng có doanh thu, bù đắp những thiệt hại suốt 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở karaoke Smile (Cầu Giấy) chia sẻ, trong 3 đợt dịch đầu, bên cho thuê chỉ hỗ trợ giảm 25% tiền mặt bằng. Đến khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chủ nhà mới giảm 50% tiền cho thuê. Trong khi nguồn thu không có, ông Hải đành phải đi vay ngân hàng để thanh toán phần còn lại nhằm cố giữ mặt bằng kinh doanh.

“Khoảng 18 tháng ngừng hoạt động, chỉ tính riêng chi phí mặt bằng cũng tốn hơn tỷ đồng. Không hoạt động thì lấy đâu ra tiền, tôi phải đi vay để bù vào. Nếu tình trạng này còn kéo dài thêm nữa thì khả năng là phá sản”, ông Hải nói.

Chủ quán karaoke mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại - 1

Dịch vụ karaoke ở Hà Nội nóng lòng mong mở cửa.

Ông Hải vì thế vô cùng sốt ruột, mong ngóng từng ngày được hoạt động trở lại: “Hiện tại về cơ bản chúng ta sống chung với dịch, hầu hết ngành nghề đã quay trở lại hoạt động bình thường. Tôi rất mong được mở lại dịch vụ karaoke để những người kinh doanh sớm hòa nhập trở lại. Thời gian vừa qua, thiệt hại về kinh tế của chúng tôi đã không thể nào đong đếm được nữa rồi!”.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke Idol (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chi phí cho phần mặt bằng đối với karaoke là khá cao. Để kinh doanh karaoke thì chủ quán ít cũng phải thuê mặt bằng 50 - 100 triệu đồng/tháng. Nếu gặp được chủ nhà tốt thì được hỗ trợ 50% tiền thuê, còn khó tính hơn thì 25 - 30 - 40% tiền thuê mặt bằng. Phần còn lại đương nhiên vẫn phải thanh toán đủ.

Ấy là chưa kể các chi phí đầu tư vào thiết bị điện tử, trang trí, cách âm. Theo thời gian, những phần nội ngoại thất này sẽ xuống cấp và phải tu sửa lại. Còn nhớ cũng thời điểm này năm ngoái, đợt cận nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021, lúc đó được mở cửa trở lại, ông Sỹ và cộng sự đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị máy móc sẵn sàng phục vụ khách.

“Chỉ không ngờ là dịch bệnh lại mau chóng bùng phát, quán chỉ hoạt động được khoảng 20 hôm là lại phải đóng cửa. Khoản đầu tư gần 2 tỷ ấy coi như mất trắng, bởi đầu tư vào mà không đón được khách để hồi vốn thì đến giờ nó cũng hao mòn, xuống cấp, phải tu sửa lại rồi”, ông Sỹ cho biết.

Chủ quán karaoke mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại - 2

Nhiều chủ quán karaoke vẫn cố giữ mặt bằng, đợi ngày được mở cửa.

Mặc dù có vài người cùng tham gia kinh doanh chung nhưng để duy trì được địa điểm sau thời gian dài hoạt động, hầu hết đều phải đi vay để lấy kinh phí duy trì. Ông Sỹ cho biết cơ sở của ông đã vay 50% trong tổng số chi phí duy trì hơn 2 tỷ đồng trong thời gian qua.

“Những nơi tụ tập đông người như nhà hàng ăn uống, sân vận động…đều đã được mở cửa trong khi loại hình kinh doanh của chúng tôi phòng ốc rộng rãi, khách thường đến theo nhóm thường là gia đình hoặc cơ quan, nghĩa là cơ hội lây nhiễm không phải quá cao. Chúng tôi cũng trang bị đầy đủ sát khuẩn, chụp mic để thay sau mỗi lần tiếp khách. Ấy vậy mà đến giờ chúng tôi vẫn chưa được hoạt động”, ông Sỹ đặt câu hỏi.

Còn chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, chủ 2 cơ sở karaoke thì bày tỏ, ngoài những khó khăn đã và đang phải gánh với các khoản chi phí về mặt bằng, khấu hao cơ sở vật chất, ngay cả khi được hoạt động bình thường, các cơ sở kinh doanh karaoke vẫn còn gặp hai khó khăn lớn trước mắt.

Đó là sau gần 2 năm không hoạt động, những lao động thời vụ thì đã về quê, tìm công việc khác trong khi những lao động chính thì cũng tản mác sang các loại hình kinh doanh khác, do đó việc tuyển nhân viên được coi là rất khó khăn.

Ngoài ra, việc bị “xoá tên khỏi bản đồ vui chơi giải trí” trong suốt thời gian dài cũng khiến khách hàng dần hình thành thói quen mới là không còn thích đi hát karaoke nữa. "Chúng tôi sẽ phải mất một thời gian dài để gây dựng lại từ đầu nguồn khách quen. Hơn nữa, dịch dã chắc chắn cũng khiến khách e dè hơn so với trước", chị Thủy nói.

CÔNG HIẾU
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chủ quán karaoke mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO