Phạt 1 tỷ đồng nếu không công khai việc thế chấp dự án
Cụ thể theo Dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đề xuất phạt 800 triệu – 1 tỷ đồng với các hành vi gồm:
Không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản (BĐS) đưa vào kinh doanh;
Đưa BĐS vào kinh doanh nhưng không đủ các điều kiện; Chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh BĐS thuộc dự án không đảm bảo các điều kiện; Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đảm bảo đầy đủ các điều kiện. Đối với hành vi này, chủ đầu tư còn bị đình chỉ kinh doanh từ 3 - 6 tháng với dự án có vi phạm.
Với trường hợp chủ đầu tư ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn cho phát triển nhà ở chưa đủ kiện, có thể bị phạt 600 - 800 triệu đồng. Được biết trước đó, Nghị định 16 không có khung tiền phạt ở mức này.
Bộ Xây dựng đề xuất chủ đầu tư không công khai việc thế chấp dự án có thể bị phạt một tỷ đồng. |
Nếu không nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho bên mua BĐS, chủ đầu tư có thể bị phạt 400 - 600 triệu đồng.
Trường hợp chủ đầu tư kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án không đúng hình thức được kinh doanh và chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đúng hình thức hoặc không đúng thủ tục thì bị phạt 300 - 400 triệu đồng.
Nếu chủ đầu tư nhận tiền thanh toán từ người mua BĐS, mà không thông qua tài khoản mở tại ngân hàng, thì bị phạt từ 200 – 260 triệu đồng.
Nếu thỏa thuận đặt cọc của chủ đầu tư không ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, thì chủ đầu tư bị phạt từ 160 - 200 triệu đồng.
Đối với việc chủ đầu tư không công khai, hoặc công bố không đầy đủ, chính xác các thông tin về BĐS, dự án trước khi đưa vào kinh doanh thì có thể bị phạt 120 - 160 triệu đồng.
Loạt dự án thế chấp ngân hàng khiến người mua lao đao
Theo khảo sát của Tiền Phong, những năm qua có rất nhiều dự án bất động sản bị chủ đầu tư thế chấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người mua nhà.
Cụ thể, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, tính đến gần cuối năm 2023, có tới 60 dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Trong đó, có 41/60 dự án thế chấp giai đoạn 2016 - 2023 và nhiều dự án thế chấp từ giai đoạn 2008 – 2011 nhưng đến cuối năm 2023 vẫn chưa giải chấp, nên người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận.
Tại Hà Nội, mới đây Agribank Chi nhánh Đống Đa cũng vừa thông báo bán đấu giá lần 9 khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Minh Việt, với giá khởi điểm là 118 tỷ đồng (giảm 51 tỷ đồng so với thông báo lần đầu).
Được biết, khoản nợ của Công ty Minh Việt tại Agribank được hình thành từ 3 hợp đồng tín dụng, giai đoạn 2009 -2011. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay của doanh nghiệp là quyền sử dụng đối với 3 thửa đất được cấp phép xây dựng dự án Tricon Tower, tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai, quyền và lợi ích của Công ty Minh Việt tại toàn bộ công trình thuộc dự án vừa nêu.
Sau khi thế chấp cho ngân hàng và huy động 400 tỷ đồng của khách hàng, dự án dự án Tricon Tower bị dừng thi công khi mới xây dựng được 20% khối lượng công trình. Cùng thời gian, chủ đầu tư dự án rời khỏi Việt Nam và biệt tăm từ năm 2013 tới nay. |
Trước đó, Tricon Tower được chủ đầu tư giới thiệu là công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp, gồm ba tòa tháp cao 44 tầng với 732 căn hộ hạng sang, với tổng mức đầu tư 145 triệu USD. Chủ đầu tư cam kết dự án sẽ bàn giao nhà cho khách hàng muộn nhất đến ngày 30/6/2012.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được 20% khối lượng công trình và huy động được hơn 400 tỷ đồng của 128 khách hàng, chủ đầu tư đã đột ngột dừng dự án. Đồng thời, chủ đầu tư cũng huỷ bỏ hợp đồng xây dựng phần thân, liên hệ ký kết với đơn vị khác nhưng không thông báo với các khách hàng, không thông báo cho khách về hiện trạng, tiến độ xây dựng của dự án. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Minh Việt cũng rời khỏi Việt Nam sau đó, bỏ mặc các khách hàng đã mua nhà tại dự án.
Theo các chuyên gia, ngoài việc phạt nặng trường hợp chủ đầu tư không công khai việc thế chấp dự án BĐS, các cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn cụ thể, quy định chi tiết hướng giải quyết cho người dân liên quan đến việc này.
Chuyên gia cho rằng người mua cần tìm hiểu thật chính xác thông tin của chủ đầu tư dự án và uy tín của họ trong việc thanh toán các khoản nợ với tổ chức tín dụng. |
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ về thông tin và giao dịch các dự án, tránh việc chủ đầu tư sử dụng một tài sản vào nhiều giao dịch, gây xung đột lợi ích và đe dọa quyền lợi của khách hàng.
Đối với người mua, cần tìm hiểu thật chính xác thông tin của chủ đầu tư và uy tín của họ trong việc thanh toán các khoản nợ với tổ chức tín dụng. Nếu dự án bị thế chấp, thì cần lựa chọn dự án được tổ chức tín dụng uy tín cấp chứng thư bảo lãnh…