50 công trình bị ảnh hưởng khi thi công tuyến ngầm
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) Hà Nội, tuyến Đường sắt thí điểm (metro) của TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là dự án xây dựng công trình giao thông công cộng, giải pháp xanh cho giao thông đô thị, song hành với sự phát triển bền vững của thủ đô.
Trước khi thi công hiện trường, các bên đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng và đánh giá rủi ro khi thi công. Toàn bộ các công trình này đều được thiết kế, lắp đặt hệ thống quan trắc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công để kiểm soát an toàn. Các nhà thầu thực hiện dự án, bắt buộc phải mua bảo hiểm xây dựng công trình…
Trong quá trình quan trắc, theo dõi bằng các phương tiện, kết hợp với việc cập nhật thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dự án ngay lập tức tạm dừng thi công tại khu vực đó, kích hoạt hệ thống an toàn, tiến hành khảo sát bổ sung, đánh giá phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý, thông báo tới người dân, chính quyền địa phương để có hành động phù hợp, kịp thời.
Thông qua kết quả quan trắc, khảo sát hiện trạng, dự án đã thống kê 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động. Trong đó, có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư.
Nhà dân gần ga S11 bị nứt toác do đâu?
Đối với công trình của bà Nguyễn Thị Bích (ở 431 Kim Mã, quận Ba Đình), báo cáo đánh giá mức độ hư hại và xác định khối lượng tổn thất cho công trình do tư vấn kiểm định độc lập thực hiện kết luận, nhà bị nứt, hư hỏng do 2 nguyên nhân chính: tòa nhà sử dụng từ năm 1994 đã xuống cấp và do ảnh hưởng từ việc thi công nhà Ga S9.
Tư vấn kiểm định kiến nghị nên xây mới lại tòa nhà và nhà thầu phải đền bù theo tỷ lệ 32,55% tổng giá trị xây mới (cách tính trừ khấu hao theo thời gian sử dụng).
Theo đó, giá trị 32,55% mà nhà thầu phải đền bù sẽ là: giá trị bồi thường cho xây nhà hơn 523 triệu đồng, hỗ trợ tạm cư 50 triệu đồng, hỗ trợ vận chuyển đồ hơn 5,1 triệu đồng. Bà Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù 32,55% nhưng không đồng ý giá trị dự toán xây dựng mới tòa nhà.
Đối với công trình nhà của chủ hộ là ông Lê Hữu Đa, ở số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám (phường Văn Chương, quận Đống Đa) là công trình nằm gần khu vực thi công nhà ga S11.
Theo MRB, trước khi thi công, ngày 25/1/2018, đã ghi nhận có nhiều vết nứt tại nhà ông Đa. Ngày 15/1/2020, cán bộ khảo sát lần thứ 2 tiếp tục ghi nhận công trình có nhiều vết nứt nghiêm trọng ở tầng 1 và tầng 2. Những vết nứt này phát triển lớn và nhiều hơn so với kết quả khảo sát lần thứ nhất. Như vậy, nhà ông Đa đã bị nứt nghiêm trọng trước khi nhà thầu tiến hành thi công tại ga S11.
Tháng 5/2021, nhà thầu đã gửi thư khẳng định nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng của nhà ông Đa. Các chuyên gia của dự án đã kết luận, việc nứt, lún của nhà ông Đa không phải do nguyên nhân từ việc thi công nhà ga S11, mà là do kết cấu căn nhà đã bị xuống cấp theo thời gian và không được bảo trì phù hợp.
Ngoài ra, việc nhà ông Đa bị lún, nứt phát triển nhanh hơn do tác động thêm của công trình sát cạnh mới được xây dựng trong năm 2020.
"Nếu gia đình ông Đa vẫn chưa thấy thỏa mãn với kết luận trên thì MRB sẽ đề nghị gia đình ông Đa và UBND phường Văn Chương mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập. Kết quả kết luận nếu nguyên nhân đến từ dự án, MRB sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí có liên quan" - đại diện MRB khẳng định.