Manneken Pis (chú bé đứng tè) nằm gần Grand Place, ở góc đường Rue de l'Étuve và Rue du Chêne, là một trong những điểm tham quan thu hút du khách đến thành phố Brussels (Bỉ).
Sau hơn 400 năm thải ra hàng nghìn lít nước sạch mỗi ngày, bức tượng đồng cao 61 cm này đã trở nên thân thiện hơn với môi trường, truyền tải thông điệp ngừng lãng phí nước đến người dân và du khách.
Tại sao "chú bé đứng tè" xuất hiện ở Brussels?
Theo Guardian, Manneken Pis ban đầu được thiết kế bởi nhà điêu khắc Brabantine Jérôme Duquesnoy the Elder vào năm 1619. Bản gốc đang được lưu giữ trong bảo tàng thành phố Brussels.
Bức tượng bằng đồng được trưng bày ở trung tâm thành phố hiện tại chỉ là một bản sao có từ năm 1965.
Bức tượng trong trang phục áo dài Việt Nam. Ảnh: Manneken-pis.be.
Cho đến nay, gốc gác bức tượng vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Có nhiều giai thoại, một số thậm chí kỳ lạ và khó tin xoay quanh Manneken Pis.
Một luồng quan điểm cho rằng nó được xây dựng dựa trên truyền thuyết về việc quân đội trung thành với công tước Godfrey III xứ Leuven đặt ông, khi đó là một cậu bé 2 tuổi, vào một cái rổ treo trên cây. Cậu bé đã đứng ở đó và tè lên quân địch.
Cũng có lời giải thích liên quan đến những người thợ thuộc da thời Trung cổ. Họ để trẻ em tiểu vào đồ da. Amoniac trong nước tiểu giúp chất liệu này trở nên mềm mại hơn.
Câu chuyện khác cho thấy "chú bé đứng tè" nhằm tôn vinh một anh hùng dân tộc. Khi rút khỏi Brussels, quân đội Tây Ban Nha dự định đốt toàn bộ thành phố bằng thuốc nổ. Một cậu bé người địa phương tên Julien phát hiện và đứng tè vào đường dây cháy chậm khiến xịt ngòi, nhờ đó cứu cả thành phố.
Manneken Pis mặc trang phục tri ân các nhân viên y tế trong đợt bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Dù không phải kiệt tác nghệ thuật, những câu chuyện ly kỳ như trên khiến cho Manneken Pis trở thành bức tượng thu hút khách du lịch và là biểu tượng đầy tự hào trong lòng người dân thành phố Brussels.
"Chú bé đứng tè" này sở hữu hơn 1.000 bộ trang phục các loại, được gửi về từ nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, phải kể đến bộ đồ đắt tiền bằng gấm thêu vàng do vua Louis XV của Pháp tặng.
Năm 2020, Brussels đã vinh danh các nhân viên y tế chiến đấu với đại dịch Covid-19 bằng cách cho bức tượng Manneken Pis mặc trang phục blouse, đeo khẩu trang và kính bảo hộ.
Bức tượng nhỏ từng gây lãng phí nước sạch
Trong 4 thế kỷ, bức tượng Manneken Pis được xem là hiện thân của văn hóa "laissez-faire" (tự do làm điều mình muốn) của người Bỉ.
Thế nhưng, nhiều người không tưởng tượng được cậu bé cao 61 cm này đang làm lãng phí lượng nước sạch đáng kể cho đến khi các nhà chức trách thành phố Brussels phát hiện một lỗi trong hệ thống ống nước của bức tượng vào năm 2019.
Hóa ra, suốt 400 năm, mỗi ngày, "chú bé" đã "tè" 1.000-2.500 lít nước sạch - đủ cho 10 hộ gia đình sử dụng. Nước chảy trực tiếp ra hệ thống cống rãnh của thành phố gây lãng phí nghiêm trọng, theo thông tin từ Guardian.
Régis Callens, một chuyên gia về năng lượng, phát hiện ra điều này khi lắp thiết bị đo vào bức tượng: "Chúng tôi vốn nghĩ đây là quy trình khép kín và cậu bé không tiêu tốn thứ gì. Manneken Pis chỉ là một trong 350-400 bức tượng ở đây, không ai để ý nhiều đến điều đó".
Du khách hứng bia từ bức tượng Manneken Pis. Ảnh: Bsboudreau.
Ngay lập tức, một đường dẫn đã được xây dựng để gom nước chảy xuống từ Manneken Pis và đưa lượng nước này trở về bức tượng.
Đồng thời, thành phố cũng kiểm tra tất cả đài phun nước ở khu vực trung tâm để tránh sự lãng phí tương tự.
Benoit Hellings, Thị trưởng thành phố, chia sẻ thông điệp: "Chúng tôi muốn nói với người dân Brussels, người Bỉ và du khách rằng Manneken Pis có thể ngừng lãng phí nước uống, bạn cũng có thể làm được".
Đến nay, người dân thành phố đã có thể tự hào khi Manneken Pis không còn "tè" ra nước sạch và lãng phí nguồn tài nguyên.