Gian nan "cuộc chiến" chống thuốc lá lậu
Theo các báo cáo tại hội nghị, thuốc lá lậu tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc, chủ yếu là các loại thuốc mác ngoại. Gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng.
Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) cho hay, mặt hàng thuốc lá luôn được Ban chỉ đạo 389 xem là quan trọng, cần phòng chống ngay từ biên giới lẫn trong nội địa, nhưng trên thực tế, việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc nên sau một thời gian ra quân xử lý, hoạt động buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường ở các địa phương có tình hình buôn lậu thuốc lá phức tạp như Long An, Đồng Tháp cũng cho biết, hiện cơ quan quản lý thị trường còn gặp khó khăn trong xử lý bắt giữ thuốc lá lậu vì đa số là vắng chủ.
Ước tính thuốc lá lậu gây thất thu thuế khoảng hơn 7.000 tỷ/năm cho ngân sách. Sự có mặt của thuốc lá lậu với giá rất cạnh tranh khiến cho sản lượng thuốc lá sản xuất hợp pháp bị thu hẹp, giảm thị phần, thuế đánh vào mặt hàng thuốc lá sản xuất hợp pháp cũng bị ảnh hưởng theo.
Trăn trở nhiều giải pháp
Việt Nam có chung 4.510 km đường biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào và Campuchia, chạy dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam, tiếp giáp 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc, 10 tỉnh biên giới của Lào và 9 tỉnh biên giới của Campuchia. Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính (cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu song phương), 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; có 28 khu kinh tế cửa khẩu và mạng lưới 285 chợ biên giới, chợ cửa khẩu.
Để giảm buôn lậu trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng cũng cho rằng, cần có cơ chế thu hút đầu tư sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu. Dẫu vậy đây là giải pháp không dễ dàng bởi các vùng biên giới thường là vùng sâu, vùng xa, hạ tầng cơ sở nhiều nơi chưa phát triển nên khó thu hút nhà đầu tư.
Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), ông Hồ Lê Nghĩa cho rằng để chống thuốc lá lậu hiệu quả, việc phạt mạnh tay với các sản phẩm thuốc lá lậu tại thị trường tiêu thụ trong nước được cho là giải pháp căn cơ bởi khi đầu ra bị truy soát, xử lý mạnh tay, dù là bán hàng nhỏ lẻ, thì đầu vào cũng sẽ giảm theo.
"VTA kiến nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu. Việc này nên thực hiện thường xuyên, liên tục bởi tình trạng này hiện tràn lan, rất dễ phát hiện", ông Nghĩa nói.
Dưới góc độ kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, phải nhắc tới mối quan hệ của việc buôn lậu thuốc lá với trốn thuế bởi như VTA cho hay, buôn lậu thuốc lá có thể mang lại lợi nhuận tới 400% nên nhiều người vẫn bị hấp dẫn, nhất là những người dân nghèo vùng biên giới không có thu nhập ổn định.
Thuốc lá hợp pháp là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng, phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Cường đặt vấn đề: "Trong bối cảnh công tác chống buôn lậu thuốc lá chưa thực sự hiệu quả thì chính sách thuế cũng là một phương pháp để chúng ta cân đối, giảm động lực của những người buôn lậu, đồng thời khuyến khích những người sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng".
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy Tư pháp Quốc hội cho rằng, tăng thuế đối với thuốc lá phải đi đôi với xử lý tốt chống buôn lậu mặt hàng này.
Trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, khó khăn từ tình hình thế giới bất ổn: Chi phí logistic, giá nguyên vật liệu tăng rất cao… Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất có một giải pháp đồng bộ, sự chung tay của các bộ, ngành chức năng để kiểm soát thuốc lá lậu.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, theo các diễn giả tại Hội thảo, hiện nay đa phần tin tức công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông chỉ dừng lại ở các vụ bắt giữ thuốc lá, rất ít thông tin về việc áp dụng các hình phạt trong xử lý vụ việc sau đó nên tác dụng tuyên truyền chưa cao, dẫn đến sự lơ là trong chấp hành pháp luật ở các đối tượng.
Hội thảo cũng dành một phần thời gian thảo luận về việc cần áp dụng chặt chẽ các hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá lậu đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Như vậy, theo quy định này, chế tài xử phạt hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng. Mức phạt cao đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong công tác chống nạn thuốc lá nhập lậu.