Chị Thanh Tâm yêu quý!
Tôi ly dị chồng khi con trai mới 6 tháng tuổi vì không thể chịu nổi tính gia trưởng của chồng cũng như cả nhà chồng. Ngày ôm thằng bé đỏ hỏn về nhà bố mẹ, tôi đã thầm hứa sẽ dành tâm sức lo cho thằng bé.
Bố mẹ đã đồng hành cùng tôi nuôi thằng bé học đến lớp 12 suôn sẻ. Tôi cũng đã quen cuộc sống với bố mẹ và con. Vậy mà khi tình cờ gặp người đàn ông ngoại quốc ấy, tôi lại có thể rung động trước sự quan tâm, chăm sóc giản dị của anh ấy.
Anh là bạn của cô tôi, sang Việt Nam làm giảng viên đại học. Hôm đó, chúng tôi cùng đến nhà cô chơi. Khi anh cần tìm nhà thuê lâu dài, tôi vui vẻ nhận lời giúp anh vì trong khu chung cư nhà tôi có nhiều nhà cho thuê. Xong việc, anh mời tôi đi uống cafe.
Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn. Tôi biết anh đã ly dị vợ và 2 con của anh đều đã có việc làm ổn định. Giờ anh tự chăm lo cho mình, không còn vướng bận các con.
Khi tôi lo lắng nói về cậu bé lớp 12 của mình, anh động viên tôi bình tĩnh, và nếu tin anh thì để anh nói chuyện với thằng bé vì anh có kinh nghiệm trải qua giai đoạn như thế của con anh rồi. Và khi anh với thằng bé gặp nhau xong, tôi đã thực sự bị anh "tán đổ".
Khi chúng tôi cưới nhau, anh giúp tôi đóng một nửa học phí cho con và cam kết sẽ giúp thằng bé như vậy đến khi học xong đại học. Tôi vốn đã có kế hoạch cho thằng bé, không chờ mong vào bất kỳ ai nhưng có anh đồng hành, tôi cũng thấy yên tâm, nhẹ nhõm trong lòng.
Khi thằng bé vào lúc cao điểm ôn thi, tôi thấy cần bên con lúc quan trọng, đón thằng bé về nhà ở cùng thì bắt đầu có vấn đề. Anh không vui khi tôi cùng ôn tập với thằng bé. Thắng bé tuổi ăn tuổi ngủ nên phải nhắc nhở, giục giã một chút, vậy mà có hôm anh để thằng bé nghỉ cả học thêm vì không tự dậy đúng giờ khi đã để chuông.
Buổi đêm, tôi chuẩn bị bữa muộn cho con, anh cũng tỏ vẻ không hài lòng. Nói chung là toàn những việc nhỏ nhưng tôi chưa biết vấn đề ở đâu. Rất mong nhận được những góp ý khách quan của chị!
Tôi xin được giấu tên.
Chào chị!
Chúc mừng chị đã tìm được một người phù hợp với mình, đồng hành với chị trong chặng đường tiếp theo của cuộc đời. Vấn đề là những người "đi bước nữa" thường phải đối mặt với nhiều vấn đề tế nhị hơn.
Người đàn ông ấy sống ở Việt Nam, cùng một lúc phải thích ứng với nhiều thứ, nhất là văn hoá, nếp nhà Việt Nam. Họ cần có thời gian để thích nghi, cần được cảm thông và cần được dung hoà.
Trong mối quan hệ này, chị thuận lợi hơn anh vì chị ở quê mình, chị được nhận sự quan tâm, chia sẻ của anh. Chị không phải sống trong mối quan hệ với các con anh, chị cũng không cần phải có trách nhiệm thường xuyên hay chăm sóc các con anh.
Thay vì để ý và tìm ra những điều chưa được của anh trong ứng xử với con riêng, chị hãy quan tâm xem sự khó chịu đó của anh là gì, cần làm gì để anh được thoải mái, nếu cần thống nhất trong cuộc sống chung thì cũng làm rõ ràng, không suy diễn rồi chụp mũ cho anh.
Chị hãy dành thời gian nói chuyện với anh nhé. Nếu anh quen nếp nghĩ con đã 18 tuổi rồi, cần độc lập thì hãy hỏi anh chi tiết các yêu cầu với con, các yêu cầu khi chung sống, từ đó có sự thảo luận, thống nhất với con.
Nếu con không có ý định sống lâu dài với anh chị mà sống cùng ông bà hoặc tách ra sống riêng thì chị cũng cần nói rõ với anh, để anh thoải mái hơn với việc có con riêng ở cùng.
Tôi tin, với tinh thần xây dựng, không trách cứ, anh chị sẽ dễ dàng giải quyết những khúc mắc nhỏ này, đừng để nó trở thành chuyện lớn.
Theo Phụ nữ Việt Nam