Sự việc diễn ra tại một khu chung cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Một cô vợ trèo ra ngoài cửa sổ, ôm đứa con gái nhỏ định nhảy xuống dưới khiến hàng xóm tá hỏa.
Theo Chinanews, nguyên nhân dẫn đến hành động này là người vợ phát hiện chồng ngoại tình, còn ngang nhiên sống với bồ suốt 3 tháng trời trong một căn hộ khác. Anh chồng đang thất nghiệp, sống dựa vào vợ, một người phụ nữ đảm đang, thu nhập mỗi tháng hơn 10.000 tệ (khoảng gần 35 triệu đồng).
"Mẹ ơi con sợ lắm, con không muốn nhảy"... Cô bé vừa khóc lóc, vừa van nài mẹ khiến những người chứng kiến xót xa.
Người chồng sau đó đã xuất hiện, anh ta quỳ xuống xin vợ tha thứ, mong cô không làm điều dại dột. Người vợ vẫn tiếp tục kêu gào, trách móc, cho đến khi đội cứu hộ tiếp cận được hai mẹ con đưa họ vào phía trong an toàn.
Sau khi video được chia sẻ hàng chục nghìn lần, dư luận bùng lên nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng việc người vợ lôi con gái vào việc này là hoàn toàn sai lầm. "Tại sao có thể lôi con gái đi tự tử"; "Người làm sai là bố cơ mà, đừng bắt con trẻ phải chịu đựng"...
Ôm con tự tử: Ép con chết cùng mình là tội ác
Không chỉ ở các nước, gần đây tại Việt Nam cũng liên tục xảy ra nhiều vụ ôm con tự tử khiến dư luận bàng hoàng.
Trong lúc tuyệt vọng, bế tắc và quyết định quyên sinh, nhiều người suy nghĩ tiêu cực rằng cuộc sống quá khổ đau nên mang con theo để cùng giải thoát, để gia đình được bên nhau ở thế giới bên kia, hoặc không muốn để con côi cút một mình không ai nuôi nấng, chăm sóc… Có những kẻ bị nỗi hận làm mờ mắt, ép con cùng chết như một cách trừng phạt những người sống, bắt họ phải day dứt, đau đớn suốt đời.
Chẳng có gì biện minh được cho những hành động mù quáng và tàn nhẫn, độc ác đó, hành động bắt nguồn từ sự ngộ nhận tối tăm về quyền làm cha mẹ.
Ảnh minh họa
Nhiều người tưởng rằng mình mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con thì có toàn quyền với con, được kiểm soát, chi phối chuyện con học gì, làm nghề gì, yêu ai, lấy ai. Kinh khủng hơn, như trong các vụ ôm con tự tử, họ còn tự cho mình quyền định đoạt chuyện sinh tử của con.
Không ai trên đời này có quyền tước đi mạng sống của người khác, quyền quyết định một người có nên và có được sống tiếp hay không. Cha mẹ đưa con cái đến thế giới này, nhưng sinh mạng, cuộc đời đứa con không thuộc quyền sở hữu của họ.
Dù vì lý do gì, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Để cắt đứt nguồn cơn gây nên tình trạng đó mọi người cần quan tâm đến kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết những xung đột, căng thẳng trong cuộc sống, tránh sự ngộ nhận về quyền làm cha mẹ. Trong các gia đình, điều quan trọng nhất là duy trì sự kết nối mật thiết, để không ai phải cô đơn khi lâm vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng, dẫn đến hành động ngu ngốc biến bản thân mình thành kẻ gây tội ác.
Theo Gia đình & Xã hội