Chồng ly hôn vợ vì suốt ngày phải ăn mì ăn liền thay cơm

06/06/2022 14:35

Phải ăn mì ăn liền cả sáng, trưa và tối, người chồng đã đệ đơn xin tòa án cho ly hôn vợ.

Một thẩm phán ở Ấn Độ đã chia sẻ lại câu chuyện một người đàn ông quyết định ly hôn vợ, do cô này chỉ nấu mì ăn liền cho chồng ăn mỗi ngày.

Trong cuộc họp báo vào ngày 27/5 tại tòa án Malavadi thuộc khu vực Vijayanagar của thành phố Mysuru, phía tây nam Ấn Độ, Thẩm phán ML Raghunath đã nhắc lại một vụ ly hôn mà ông từng giải quyết.

Chồng ly hôn vợ vì suốt ngày phải ăn mì ăn liền thay cơm
Người chồng đệ đơn ly hôn vì suốt ngày phải ăn mì ăn liền thay cơm. (Ảnh minh họa)

Ông Raghunath từng là một thẩm phán cấp quận ở Ballari. Ông đã gọi vụ ly hôn vì người vợ suốt ngày nấu mì ăn liền cho chồng ăn là “vụ Maggi”. Tuy nhiên, ông không cung cấp thông tin về 2 nhân vật trong cuộc, cũng như thời điểm xảy ra vụ ly hôn.

Vị thẩm phán nhớ lại người chồng đã nói rằng vợ anh ta không biết nấu món gì ngoài nấu mì ăn liền. Do đó, cô vợ đã mua nhiều gói mì ăn liền của thương hiệu Maggi, và sau đó dùng số mì này để nấu ăn sáng, ăn trưa và ăn tối suốt thời gian hai vợ chồng sống chung.

Được biết, cặp vợ chồng đã quyết định ly hôn theo sự đồng thuận của cả hai người. Theo Luật Hôn nhân Đặc biệt năm 1954 của Ấn Độ, ly hôn đồng thuận yêu cầu vợ và chồng sống ly thân một năm và sau đó đưa ra quyết định chung là kết thúc cuộc sống vợ chồng.

Vào năm 2018, nghiên cứu của International Journal of Management, Technology and Social Sciences cho thấy tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ là 11%, trong khi Mỹ là 50%.

Dù tỷ lệ ly hôn tại Ấn Độ hiện ở mức thấp, song Thẩm phán Raghunath, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn chia tay chỉ sau vài năm chung sống.

“Số vụ ly hôn đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Các cặp đôi đang phải chung sống với nhau ít nhất một năm mới được đệ đơn ly hôn. Nếu không có quy định này, có lẽ sẽ có những vụ ly hôn xảy ra ngay sau khi cặp đôi vừa rời khỏi hôn trường”, ông Raghunath nói với New Indian Express.

Theo đó, tòa án Ấn Độ từng nhận được nhiều lá đơn xin ly hôn chỉ sau một ngày diễn ra đám cưới vì vợ/chồng không nói chuyện với người còn lại, hay chỉ vì để muối sai bên trong đĩa thức ăn.

Việc hòa giải các cặp đôi muốn ly hôn cũng gặp không ít khó khăn. Theo Thẩm phán Raghunath, phần lớn cặp vợ chồng quyết định tái hợp chỉ vì họ nghĩ tới tương lai của con cái.

“Chúng tôi dùng yếu tố tâm lý để giúp họ giảng hòa và tái hợp. Nhưng trong phần lớn vụ việc dù đã hòa giải và về sống chung, vết thương về một lần đổ vỡ vẫn còn mãi. Trong số 800 – 900 vụ xin ly hôn, chúng tôi chỉ thành công tái hợp cho 20 – 30 vụ”, ông Raghunath nói.

Cũng theo ông Raghunath, các vụ ly hôn xảy ra ở thành thị nhiều hơn so với vùng nông thôn.

“Ở các vùng nông thôn, hội đồng làng đảm nhận trách nhiệm can thiệp và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hôn nhân. Phụ nữ không có quyền tự do kèm theo tác động từ tư tưởng xã hội và gia đình khiến phụ nữ buộc phải chịu đựng. Nhưng ở thành thị, phụ nữ được học hành và tự chủ về tài chính”, ông Raghunath nói thêm.

Chia sẻ với Hindustan Times vào năm 2021, Giáo sư Shubhada Maitra tại Viện Khoa học Xã hội Tata ở Mumbai nhận định kỳ vọng quá nhiều là một trong những lý do làm gia tăng số vụ ly hôn ở Ấn Độ. Trong khi phụ nữ Ấn Độ ngày càng có xu hướng là con người của công việc, nhiều người chồng vẫn mong vợ hoàn thành những vai trò truyền thống trong cuộc sống hôn nhân.

“Trong khi đó, phụ nữ lại đang phải gồng gánh gấp đôi trách nhiệm khi vừa làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa phải chăm lo công việc vặt trong nhà”, Giáo sư Maitra nói.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
  • Đau đáu đóng góp cho quê nhà
    Ở Đài Loan (Trung Quốc) có một phụ nữ Việt Nam luôn hướng về quê hương, luôn dành trọn vẹn tâm huyết để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, phát triển của 2 cộng đồng
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chồng ly hôn vợ vì suốt ngày phải ăn mì ăn liền thay cơm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO