Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tin nhắn của Hoa - cô bạn hồi đại học - hiện lên trong cửa sổ chat. Học chung 4 năm, ra trường cùng sống trong một thành phố nhưng dễ chừng hơn chục năm rồi, Giang mới gặp lại Hoa trong một dịp tình cờ.
Cùng học ngành truyền thông marketing, nhưng Giang chọn vào làm tại một tập đoàn nước ngoài danh tiếng, còn Hoa chỉ là cô nhân viên quản lý website của một quận nhỏ trong thành phố.
Thu nhập, dù không nói ra, nhưng chắc chắn tiền Giang kiếm được phải gấp mấy lần Hoa. Công ty lớn, áp lực cao, khách hàng toàn giàu có, sang trọng nên Giang cũng phải trang bị cho mình một “giao diện” coi cho được. Mỹ phẩm, trang sức, nước hoa xịn, túi xách hàng hiệu, giày dép cũng không phải loại bình thường, còn quần áo thì chắc chắn phải đặt may hoặc mua ở những thương hiệu nổi tiếng. Tóc, móng tay, móng chân của cô cũng được chăm chút thường xuyên.
Dù chưa lập bảng kê chi tiết, nhưng nếu tính đúng, tính đủ thì số tiền Giang bỏ ra hằng tháng cho ngoại hình sang chảnh của mình chắc cũng chiếm cỡ 1/4, thậm chí là 1/3 số kiếm được. Đó là chưa kể tiền cho những lần đi ăn trưa trong những nhà hàng sang trọng với khách hàng. Công việc nhiều, deadline dí liên tục nên thời gian của cô dành cho chồng con cũng ít ỏi. Thay vì đưa đón con đi học, cô thuê hẳn một tài xế đưa đón con cho tiện.
Lớn thuyền lớn sóng nên dù thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng, Giang cũng không tích lũy được gì. Chi tiêu bản thân, tiền cho con cái ăn học, tiền nhà cửa… ngốn gần hết số tiền kiếm được.
Áp lực công việc cũng khiến Giang thường có thói quen mua sắm vô tội vạ để giải tỏa căng thẳng. Không có thời gian lượn shop, cô chỉ vào web của các nhãn hàng rồi đặt online. Thế nên hôm nay, khi cùng Hoa lang thang, chen lấn trong dòng người săn hàng giảm giá, vui mừng khi lựa được món hàng ưng ý với giá hời, Giang chợt nhận ra lâu lắm rồi, cô mới có lại niềm vui bé mọn này như thời sinh viên.
Ngày đó, Giang và Hoa là tín đồ của các shop bán đồ “sida”, từng rất hạnh phúc khi mua được chiếc áo sơ mi hàng hiệu chỉ với giá vài chục ngàn đồng và tự tin mặc đến giảng đường.
Hoa khoe: “Sài Gòn chỗ nào bán hàng xuất khẩu, hàng si đẹp, tao biết hết. Tao còn cập nhật lịch giảm giá của nhiều shop - từ quần áo, giày dép, thực phẩm… đều có cả. Hàng thương hiệu tao cũng mua, nhưng canh đợt sale sâu nên cũng không tốn mấy”.
Công việc lương ít, nhưng Hoa có nhiều thời gian. Cô hạnh phúc khi được nấu cho chồng con những bữa sáng chất lượng, hợp túi tiền; những bữa tối ngon lành, ấm áp. Quần áo, đồ dùng cho cả nhà cô cũng tự tay chọn mua với mức chi tiêu phù hợp thu nhập. Sau giờ làm việc, những ngày cuối tuần, Hoa đưa con đi chơi. Hôm nào chồng xung phong chăm con thì vợ đi săn hàng giảm giá, đi mua sách hay cà phê với bạn bè. Cuộc sống của cô tuy không sang chảnh nhưng vui vẻ, nhẹ nhàng và ấm áp.
Nghe Hoa kể, Giang thấy chạnh lòng. 10 năm qua, lao vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt để giữ chỗ đứng trong tập đoàn, cô quên mất ngày tháng đã trôi qua thế nào, sinh nhật con trai cô năm nó lên 3, lên 4, lên 5… và bây giờ là lên 9 có gì khác nhau, hôm ấy cả nhà ăn món gì, con đã mặc bộ đồ nào, cô đã tặng gì cho con, cô đều không nhớ nổi. Cô và chồng đã có những vui buồn gì trong ngần ấy năm, sao không đọng lại gì trong cô thế này?
Mọi việc, đáng ra phải rất đáng nhớ, cô lại làm như một quán tính, không đặt tâm trí và lòng mình vào đó. Cô phát hiện, hóa ra mình đang mất đi nhiều khoảnh khắc trân quý của cuộc sống chỉ để đổi lấy tiền, mà tiền cũng chi tiêu vô tội vạ. Cuối cùng, cô còn lại gì?
Giang lặng người. Mở điện thoại, cô nhắn tin cho sếp: “Xin lỗi anh, mai em có việc nhà, không thể ăn tối với anh như đã hẹn”. Từ chối cuộc gặp riêng “để bàn về lộ trình cất nhắc em lên trưởng phòng marketing” theo lời anh sếp, đồng nghĩa với việc cô từ bỏ cơ hội lần này.
Điện thoại đổ chuông, không cần xem cô cũng biết là của sếp. Giang dứt khoát bỏ điện thoại vào túi xách. Trên đường về, cô ghé siêu thị mua ít thịt bò để sớm mai nấu phở. May quá, cô vẫn còn nhớ là chồng và con trai thích món này.
Hạ Vi