Thiết kế
OPPO Find N có thiết kế nhỏ gọn với màn hình ngoài be bé 5,49 inch với tỉ lệ hai chiều cân đối, đáp ứng thao tác của người dùng như một chiếc smartphone thông thường. Còn Samsung Galaxy Fold3 thì có vẻ hơi hẹp về chiều ngang khiến việc cầm máy hoặc bỏ vào túi quần chưa thực sự thoải mái, đặc biệt là thao tác với bàn phím ảo chưa thuận tiện. Màn hình ngoài của cả hai máy đều được khoét nốt ruồi để đặt camera phục vụ video call khi cần.
Và khi ở trạng thái mở ra để hoạt động như một tablet với màn hình hơn 7 inch thì Fold3 trông có vẻ hiện đại hơn với kiểu màn hình vô khuyết nhờ camera được ẩn dưới màn hình, còn Find N vẫn sử dụng camera nốt ruồi. Mặt khác, cơ chế bản lề kiểu gấp hờ của Find N giúp máy không tạo ra nếp gấp rõ rệt như trên chiếc Galaxy Z Fold3, đảm bảo kéo dài tuổi thọ cho máy và mang đến sự dễ chịu về thị giác cho người dùng.
Tuy vậy bản lề của đại diện Samsung lại linh hoạt khi cho phép mở ra nhiều góc độ so với smartphone của OPPO để có thể tận dụng góc gập 90 độ làm đế dựng khi chụp ảnh, giải trí... Và với thiết kế gọn gàng thì kể cả khi mở ra, Find N vẫn cho cảm giác cầm nắm dễ chịu hơn so với Galaxy Z Fold3.
Tuy nhiên xét về độ bền bỉ thì Galaxy Z Fold3 hiện đang trội hơn với chất liệu nhôm đi kèm khả năng chống nước IPX8 hiếm thấy trên những smartphone gập, trong khi OPPO Find N gần như chỉ có thể đảm bảo sống sót trong những thử thách nhẹ nhàng hơn về mồ hôi, độ ẩm...
Tính năng
Đều áp dụng công nghệ AMOLED - thể hiện màu sắc rực rỡ, độ sáng và tương phản cao - nhưng Galaxy Z Fold3 có màn hình hiển thị 7,6 inch so với 7,1 inch đối thủ và trên cả hai màn hình của smartphone Samsung đều hỗ trợ tần số quét 120Hz mượt mà, trong khi OPPO Find N đã giản lượt tần số quét cao trên màn hình ngoài của máy và thay thế bằng tần số 60Hz thông thường.
Ngoài lợi thế màn hình rộng hơn thì Galaxy Z Fold3 còn tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi hỗ trợ thao tác với bút S Pen phục vụ đắc lực cho nhu cầu công việc. Hơn nữa vì đã phát triển đến thế hệ thứ 3 nên phần mềm của Galaxy Z Fold3 cũng trở nên thuần thục. Trong khi “lính mới” OPPO Find N cần thêm thời gian hoàn thiện để tối ưu trải nghiệm người dùng, ví dụ như việc chuyển đổi qua lại giữa hai màn hình máy hiện vẫn chưa trơn tru.
Về cấu hình, cả hai máy đều dùng chip Snapdragon 888 đầu bảng cho phép sử dụng lâu dài trong một vài năm tới mà vẫn đảm bảo trải nghiệm mượt mà, dù chưa phải đỉnh nhất lúc này nhưng hãy cứ xem như là một sự đánh đổi để đảm bảo tối ưu chi phí cho một chiếc điện thoại với thiết kế gập đắt đỏ.
Cụm camera của cả hai máy đều sở hữu những thông số khủng từ f/1.8, hỗ trợ lấy nét nhanh PDAF, chống rung quang học và khả năng zoom quang 2x cho phép máy đáp ứng nhu cầu quay, chụp linh hoạt từ góc siêu rộng đến phóng to. Nhìn chung khả năng chụp ảnh trên cả hai máy khá ngang tài ngang sức và đều hợp lý so với tầm giá của chúng. Và ngoài khả năng quay 4K hay quay chậm 240 hình/giây ở mức Full HD như nhau thì riêng Galaxy Z Fold3 còn hỗ trợ quay siêu chậm 720p tốc độ 960 hình/giây.
Điều gây tiếc nuối nhất là dù có đến hai màn hình và màn hình chính lớn hơn 7 inch nhưng viên pin của cả hai máy chỉ tầm 4.500mAh nên thời gian sử dụng trung bình của chúng chỉ gói gọn trong 1 ngày. Bù lại thì trang bị sạc nhanh giúp chúng mau chóng nạp đầy pin và OPPO Find N với sạc 33W chỉ mất hơn 1 giờ để khôi phục năng lượng trong khi Galaxy Z Fold3 mất gần 1 giờ 50 phút với sạc 25W.
Kết luận
Là thế hệ tiên phong, OPPO Find N có thiết kế gọn gàng, cân đối với cơ chế gập không để lại nếp gấp mang đến trải nghiệm thị giác tốt hơn, đi kèm giá bán hứa hẹn sẽ cạnh tranh. Còn Galaxy Z Fold3 thể hiện sự bền bỉ với thiết kế được gia cố đi kèm khả năng chống nước cùng phần mềm chỉn chu kết hợp bút S Pen hỗ trợ tối ưu cho công việc.
Giá tham khảo:
- Galaxy Z Fold3 5G(12GB/256GB): 41.990.000 đồng.
- OPPO Find N: chưa có giá chính thức.