'Chôn chân' trong giá rét để thay áo mới cho thủ phủ đào phai

03/01/2023 02:02

Mặc dù trời lạnh, kèm theo mưa phùn nhưng hàng chục nông dân ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn "chôn chân" trong giá rét để tuốt lá cho vựa đào lớn nhất huyện. Đây là công đoạn cuối cùng để kích thích đào nở hoa đúng dịp Tết. .

Những ngày gần đây, mặc dù thời tiết ở Hà Tĩnh rét buốt, có gió lạnh kèm theo mưa phùn nhưng tại thủ phủ đào phai lớn nhất huyện Thạch Hà, hàng chục người dân vẫn tập trung đi tuốt lá thuê để kiếm thêm thu nhập.

Đây được xem là công đoạn "thay áo mới" cho đào, cũng là công đoạn cuối cùng để kích thích đào phai nở hoa đúng dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Hòa (trú xã Lưu Vĩnh Sơn) cho biết, nhiều năm nay cứ trước Tết, chị được các chủ vườn đào gọi điện thuê tuốt lá. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 7h đến 11h trưa, buổi chiều từ 13h30 đến 17h30. Với công việc này, mỗi ngày chị Hoa sẽ được trả công từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng.

"Việc tuốt lá nếu trời nắng ráo thì khá nhẹ nhàng nhưng do thời gian này trời lạnh, kèm theo mưa phùn nên hái lá cũng bị chậm hơn. Tôi phải mặc áo mưa để đỡ lạnh, cản được gió. Đồng thời đeo tất tay để đỡ bị buốt. Những cây nào cao quá, chúng tôi phải dùng thang hoặc buộc đá để cành sà xuống sát đất cho dễ tuốt. Mỗi ngày tùy vào chủ vườn, lúc làm năng suất thì tôi có thể được trả 250.000 đồng/ngày. Công việc không mệt nhưng đứng và di chuyển nhiều giờ đồng hồ trong gió lạnh nên hơi mỏi chân", chị Hòa nói.

Thời tiết ở Hà Tĩnh lạnh, kèm theo mưa phùn nên người dân mang theo áo mưa để tuốt lá
Đây là công việc thời vụ, thông thường diễn ra trong vòng 20 ngày, đây là công đoạn cuối cùng để kích thích đào nở hoa đúng dịp Tết
Người dân cho biết, tuốt lá đòi hỏi sự cẩn thận, nắm cành cây theo chiều ngang hoặc từ dưới lên. Nếu tuốt thẳng từ trên xuống sẽ làm tổn thương đến mầm nụ hoa
Tuốt lá đào là kinh nghiệm dân gian từ hàng chục năm nay của người dân, mục đích kích thích cây ra hoa. Khi lá bị tuốt, toàn bộ dinh dưỡng của cây sẽ không nuôi lá nữa mà chuyển sang nuôi búp, giúp hoa nở dúng dịp Tết
Nhiều gốc cây đã được tuốt lá, chờ nụ nở vào dịp Tết. Lá đào tuốt xong sẽ được giữ lại, phủ đều dưới nền đất để ngăn cỏ mọc, tạo độ ẩm, giúp những cây nhỏ sinh trưởng tốt
Những gốc đào tuốt lá sớm, hiện đã cho ra hoa bói
Để tuốt lá không gây ảnh hưởng đến chồi nụ, toàn bộ công đoạn tuốt lá đều được thực hiện hoàn toàn theo phương pháp thủ công
Những cành đào cao, người dân buộc đá để kéo sà sát đất tiện cho việc tuốt lá. Chị Dương Thị Hà (SN 1980, trú huyện Thạch Hà) cho biết, thông thường chị làm nghề bốc vác gỗ keo tràm thuê, hơn 1 tuần nay chị tận dụng để đi tuốt lá đào thuê
Hiện một số hộ dân đã treo số điện thoại để khách hàng tiện liên lạc mua đào

Xã Lưu Vĩnh Sơn là thủ phủ đào phai của huyện Thạch Hà với hơn 85 ha, với hơn 600 hộ trồng. Đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của xã. Người dân thường tận dụng đất vườn hoặc thuê đất đồi rừng trồng từ 50 đến 600 gốc.

Một cây đào phai giống bán 15.000-20.000 đồng, trồng tháng 2 hàng năm. Nếu cây đào nở hoa đúng dịp cận Tết, trung bình mỗi gốc có thể bán 500.000-700.000 đồng. Một số gốc lớn búp nhiều, dáng đẹp có giá 3-4 triệu đồng. Thu hoạch xong, chủ vườn phải xới đất để trồng lứa mới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Chôn chân' trong giá rét để thay áo mới cho thủ phủ đào phai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO