CTCP Sản xuất Kinh doanh XNK Bình Thạnh - Gilimex (GIL) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế tiếp tục ở mức cao và tình hình sức khỏe tài chính rất ấn tượng cũng như kế hoạch tấn công vào lĩnh vực mới.
Theo đó, Gilimex ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đạt tương ứng gần 2.700 tỷ đồng và 282 tỷ đồng, tăng 27% và 18% so với cùng kỳ. Như vậy, sau nửa năm, doanh nghiệp chuyên may ba lô túi xách hoàn thành 89% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một điểm đáng chú ý là, tính tới cuối quý II/2022, Gilimex có tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh, từ mức 762 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên trên 1.176 tỷ đồng. Khoản tiền gửi có kỳ hạn tăng vọt 3 lần, lên trên 1.300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới trên 1.100 tỷ đồng.
Gilimex chuyên sản xuất hàng may gia dụng như túi xách, ba lô và phần lớn bán qua kênh Amazon của Mỹ. GIL tăng trưởng mạnh từ quý II năm ngoái ngay khi đại dịch bùng lên dữ dội, thay vì ngưng trệ như trong quý II/2020.
Sự khởi sắc trở lại của nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu sau đại dịch, đã giúp Gilimex tăng trưởng ấn tượng kể từ nửa cuối 2020.
Tiền nhiều giúp Gilimex gần đây mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với dự án KCN Phú Bài 4 có tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, trên diện tích 500ha, KCN Gilimex Quảng Ngãi và KCN Gilimex Vĩnh Long.
Nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt với các đối tác ở thị trường Mỹ. Các công ty xuất khẩu thủy sản đồng loạt báo lãi kỷ lục trong quý II/2022, khi hưởng giá bán tốt và thị trường xuất khẩu thuận lợi trong vài tháng đầu năm, trong đó có xuất khẩu sang Mỹ. Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) báo lãi cao gấp 3 lần cùng kỳ, lên gần 790 tỷ đồng. Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng là doanh nghiệp xuất khẩu mạnh sang Mỹ và ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 2,5 lần cùng kỳ.
VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong tháng 7/2022 cũng đã chính thức khai trương đồng loạt 6 trung tâm bán hàng tại California (Mỹ). Trong năm 2022, VinFast sẽ tiếp tục mở hơn 30 store tại bang California, đồng thời nghiên cứu mở rộng mạng lưới sang các bang khác tại Mỹ.
Quỹ đầu tư Warburg Pincus của Mỹ vừa hoàn tất khoản đầu tư 250 triệu USD vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL), thành viên của NovaGroup. Đây là quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất với hơn 1,5 tỷ USD đã giải ngân.
Tập đoàn FPT cũng ghi nhận doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 8.622 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.362 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, doanh thu tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt tại Mỹ (tăng 48,4%).
Rủi ro tăng lên
Theo MBS, VN-Index đang tiến vào vùng cản kỹ thuật 1.250 điểm - 1.262 điểm, do vậy các nhịp điều chỉnh trong phiên sẽ thường xuyên diễn ra, thậm chí thị trường có thể điều chỉnh theo phiên khi giao dịch ở nhóm cổ phiếu trụ trở lại trạng thái cân bằng và thị trường phái sinh cũng dự phòng rủi ro “trả điểm” ở nhóm cổ phiếu bluechips.
Theo BSC, nếu phiên 5/8 thị trường đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 thì nhiều khả năng trong ngắn hạn chỉ số sẽ tích lũy quanh vùng 1.235-1.255 để lấy đà bật lên, còn nếu không thì chỉ số sẽ tiếp tục con đường chinh phục gap 1.260-1.280.
AseanSC cho biết, đà tăng có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, một số chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu quá mua, do đó, rủi ro điều chỉnh sẽ tiếp tục tăng lên. Dự báo trong phiên giao dịch tới, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.255-1.260 điểm có thể khiến VN-Index quay đầu giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.245-1.250 điểm, xa hơn là vùng hỗ trợ 1.235-1.240 điểm.
Chốt phiên giao dịch 4/8, chỉ số VN-Index tăng 4,39 điểm lên 1.254,15 điểm. HNX-Index giảm 0,38 điểm xuống 297,73 điểm. Upcom-Index tăng 0,55 điểm lên 90,86 điểm. Thanh khoản đạt 19,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 17 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
M. Hà