Cho thuê để vỉa hè TP.HCM thoát cảnh chiếm dụng, nhếch nhác

10/02/2023 11:05

Theo các chuyên gia, việc TP.HCM tính chuyện cho thuê vỉa hè là hết sức cần thiết nhưng cần ưu tiên đánh giá tác động lưu thông, cảnh quan đô thị.

Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố của Sở GTVT TP.HCM đề cập về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí.

Hiện nay, các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Quản lý khu đô thị đang rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ, lên danh mục các tuyến đường đáp ứng điều kiện để tổ chức các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Theo Sở GTVT TP.HCM, quy định mới, quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị, ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m, lòng đường còn lại đủ bố trí 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông...

Người đi bộ phải xuống lòng đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1) vì vỉa hè bị chiếm làm bãi giữ xe

Vỉa hè trung tâm TP.HCM bệ rạc vì 'mạnh ai người đó lấn' 

Khảo sát của VietNamNet tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM, nhiều nơi có tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ.

Khu vực quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) bao bọc bởi những tòa nhà cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, vỉa hè dày đặc xe máy, người đi bộ phải xuống lòng đường.

Cảnh vỉa hè đường Hải Triều (quận 1) bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, không còn lối cho người đi bộ

Điển hình như khu vực đường Hải Triều, xe máy bàn ghế xếp la liệt ở vỉa hè trước các quán ăn.

Khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Hiệp…, các bãi giữ xe tư nhân chiếm hết vỉa hè.

Còn trước các cơ sở kinh doanh hàng ăn, quán cà phê trên đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Đông Du, Mạc Thị Bưởi… vỉa hè, lòng đường cũng chung số phận.

Hay khu vực xung quanh Hồ Con Rùa (quận 3), tuyến đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân cũng xảy ra tình trạng tương tự. Vỉa hè, lòng đường trước nhiều quán cà phê, quán ăn... xe máy, ôtô đậu tràn lan, có đoạn không còn không gian cho người đi bộ. Nhiều điểm xe máy còn được dựng dưới lòng đường do trên vỉa hè không còn chỗ.

Hình ảnh một tuyến đường trung tâm TP.HCM bị lấn chiếm vỉa hè

Người dân muốn được 'chính danh' sử dụng vỉa hè

Anh Nguyễn Duy Ngọc (hộ kinh doanh trên trên đường Hai Bà Trưng, quận 1) cho biết, sẵn sàng trả phí và mong muốn chính quyền sớm cấp phép để được sử dụng vỉa hè.

"Chúng tôi mong thành phố quy định rõ ràng mức phí, người dân được chính danh sử dụng một phần vỉa hè, không phải kinh doanh "chui" như hiện nay" - anh Ngọc nói.

Bà Lê Ngọc Trang (kinh doanh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cho rằng, việc quản lý vỉa hè lẽ ra phải làm từ lâu, việc quản lý máy móc nên gây lãng phí lớn. Tuy nhiên, tùy khu vực để quy định lối đi bao nhiêu, không nên cứng nhắc quy định 1,5m vì khu vực đông người qua lại có khi cần 2m, khu ít người thì chỉ cần 1m là đủ.

Đại diện hộ kinh doanh quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), anh Nguyễn Ngọc Phước tỏ ra hào hứng khi nghe thông tin TP cho phép thí điểm thu phí vỉa hè. Anh nói: "Tôi ủng hộ phương án thu phí vì có như vậy các chủ kinh doanh mới có trách nhiệm với phần vỉa hè mà mình quản lý. Vừa lập lại trật tự an toàn, nề nếp, thu được tiền cho ngân sách, chống lãng phí".

Cho thuê vỉa hè cần thiết nhưng cần tính toán kỹ

Tiến sĩ Võ Kim Cương- nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết rất đồng tình về việc TP.HCM tính chuyện cho thuê vỉa hè. Bởi vỉa hè không chỉ phục vụ cho giao thông mà còn phục vụ các hoạt động khác của đô thị, có chỗ không thể cho thuê được nhưng có chỗ cần cho thuê.

Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, TP cần tính toán kỹ, không phải chỗ nào cũng cho thuê vỉa hè. Gốc rễ của vấn đề là phải ưu tiên đánh giá tác động khả năng lưu thông từng tuyến đường, khu vực chứ không nên căn cứ kích thước vỉa hè để cho thuê.

Theo ông, những chỗ vỉa hè rộng nhưng giao thông lớn thì dứt khoát không cho thuê, còn những khu vực lưu thông thấp thì nên khuyến khích. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng đối tượng cho thuê có ảnh hưởng gì đến giao thông, mức độ ra sao ?

Ngoài ra, cần xét đến yếu tố bộ mặt đô thị, khi cho thuê vỉa hè phải đảm bảo cảnh quan đừng gây nhếch nhác.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc cho thuê tạm vỉa hè cần hướng đến mục tiêu cải thiện, tổ chức lại không gian đô thị chứ không nên đặt nặng nguồn thu cho ngân sách.

"Việc thuê vỉa hè phải đảm bảo giao thông, cảnh quan rồi mới tính đến kinh tế. Kinh tế vỉa hè chỉ là nguồn thu phụ thêm chứ không phải nguồn thu chính. Quá trình triển khai phải thực hiện một cách công khai, minh bạch sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân"- Tiến sĩ Võ Kim Cương nhận định.

Người dân chiếm dụng vỉa hè để bày bán hàng ăn ở trung tâm TP.HCM

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM) nhìn nhận, vấn đề lấn chiếm vỉa hè đã diễn ra nhiều năm qua gây bức xúc dư luận. Mặc dù TP đã quy định rất rõ việc sử dụng vỉa hè, nhiều đợt ra quân lập lại trật tự bằng các biện pháp cứng, đạt kết quả nhanh nhưng rồi 'lại đâu vào đó'.

Ông lấy bài học về vỉa hè quận 1 cách đây vài năm, chính quyền làm rất mạnh với các biện pháp cứng đã mang lại đạt kết quả nhanh nhưng không thay đổi nguyên nhân cơ bản là vì kinh tế vỉa hè đã ăn sâu, nhu cầu sinh hoạt, buôn bán, đậu xe... rất lớn.

"Việc cho thuê vỉa hè là cần thiết nhưng thu phí không có nghĩa là để đạt mục đích tăng ngân sách, mà thu phí là để ổn định lại việc tổ chức cho vỉa hè không bị sử dụng một cách quá tuỳ tiện và lôi thôi”- vị chuyên gia chia sẻ.

Để dần đưa tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè vào trật tự, bảo đảm mỹ quan, ông cho rằng TP cần tổ chức, quy hoạch bài bản. Trong đó phải khảo sát về nhu cầu sử dụng vỉa hè, lòng đường của người dân. Đồng thời, phải tổ chức buôn bán, kinh doanh như thế nào để khi người dân sử dụng những dịch vụ này không làm ảnh hưởng đến giao thông quanh khu vực.

10 trường hợp đóng phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè
7 trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng; điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; điểm tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình hộ gia đình; điểm trông giữ xe có thu phí.
3 trường hợp sử dụng tạm lòng đường có thu phí gồm: nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; nơi bố trí điểm trông giữ xe có thu phí.

Như Sỹ - Nguyễn Nam 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cho thuê để vỉa hè TP.HCM thoát cảnh chiếm dụng, nhếch nhác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO