Đơn hàng tăng lên nhưng “đỏ mắt” tìm shipper
Ghi nhận tại TP.HCM trong 1-2 ngày đầu tuần qua số lượng đơn hàng người dân đặt mua online tiếp tục tăng vọt sau khi việc xét nghiệm cho các shipper đã ổn định. Lượng shipper hoạt động cũng tăng lên giúp người dân thoải mái đặt đơn hàng lương thực, thực phẩm nhiều hơn.
Bên cạnh đó nhu cầu mua sách vở, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cũng nhiều hơn khiến cho các đơn hàng online cũng tăng thêm. Các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi nhiều nơi mở cửa trở lại cũng giúp cho việc mua bán online khá nhộn nhịp hơn so với tuần trước đó.
Chị Phương Thanh ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho biết chị đã có thẻ “đi chợ” qua GrabMart sau khi nền tảng này hoạt động lại. Nhiều cửa hàng, siêu thị có quầy trực tuyến trên nền tảng GrabMart cũng đã mở lại để nhận đơn. Tuy nhiên chị Thanh cho biết hàng hóa, cửa hàng mở bán lại nhiều hơn tuy nhiên khi đặt đơn hàng xong thì may mắn có shipper giao trong ngày, không thì phải chờ 1-2 ngày sau mới cho shipper giao hàng cho mình.
Nhiều người dân ở các “vùng xanh”, “vùng đỏ” khác cho hay, 2 hôm nay đã có thể đặt mua nhiều nhu yếu phẩm, thực phẩm. Chị Thanh Phượng ở Gò Vấp cho hay trong 1-2 ngày qua chị đã có thể đặt hàng trực tuyến của BigC, sàn thương mại điện tử Voso.vn… . Chị Phượng cho hay hàng hóa cũng nhiều hơn gồm thịt, cá, tôm, rau củ quả cũng như nước mắm, dầu ăn, trái cây…
Theo Sở Công Thương TP.HCM chỉ riêng trong ngày 1-9 đã nhận được đến gần 200.000 đơn hàng online theo nhu cầu của người dân, số lượng shipper hoạt động là 10.782 người, hỗ trợ cung ứng được 196.635 đơn hàng.
Đại diện các siêu thị, sàn thương mại điện tử đều cho biết khó khăn lớn nhất với các đơn vị này hiện thời là thiếu hụt shipper giao hàng cho người dân. Theo các siêu thị, sàn thương mại điện tử hằng ngày có hàng ngàn đến hàng chục ngàn đơn hàng của người dân đặt hàng. Tuy nhiên số lượng shipper không đủ để có thể giao hết trong 1-2 ngày nên những ngày sau đơn hàng bị chồng lên, ùn ứ khiến thời gian giao hàng bị kéo dài ra. Nhiều người dân phải sau 3-4 ngày thậm chí 5-6 ngày mới có thể nhận được hàng.
Các siêu thị, sàn thương mại điện tử kiến nghị nên mở rộng cho shipper chạy liên quận, tăng thời gian hoạt động của shipper cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các shipper đi qua các chốt hay lấy hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Như vậy mới có thể đáp ứng nhanh được đơn hàng, tránh ùn ứ đơn hàng của người dân.
Chợ, siêu thị chờ mở cửa
Các doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM cho biết đang chờ văn bản chính thức của UBND thành phố và hướng dẫn của các sở, ngành để bắt tay thực hiện mở lại chợ, siêu thị cho người dân vào mua sắm. Trước mắt, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị cơ bản như họp bàn kế hoạch sắp xếp nhân sự, tăng nguồn cung hàng hóa... để khi được phép sẽ áp dụng ngay.
Theo các doanh nghiệp, nếu người dân “vùng xanh” được phép đi chợ trở lại, sức mua dự báo sẽ cải thiện hơn so với 2 tuần nay, khả năng đáp ứng đơn hàng “đi chợ hộ” cũng sẽ được tăng lên nếu siêu thị, cửa hàng và lực lượng shipper có thêm 3 giờ làm việc.
"Chúng tôi lên kế hoạch tăng khoảng 20% nguồn hàng, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống" - đại diện MM Mega Market cho hay. Đại diện hệ thống Lotte Mart cũng cho biết đã sẵn sàng cho việc tăng thời gian mở cửa và phục vụ khách hàng cá nhân tại các “vùng xanh”.
Các siêu thị đã được cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên nên cơ bản đủ nhân sự. Các khâu thu mua, vận chuyển, cung ứng hàng hóa cũng đã dần ổn định việc tăng thời lượng mở cửa sẽ không quá khó.
Ngày 7/9, Sở Công thương TP.HCM có văn bản gửi lãnh đạo quận 8, huyện Bình Chánh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV, Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền về phương án vận hành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền.
Qua xem xét phương án của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền về vận hành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền, nhằm gia tăng nguồn hàng hóa cung ứng cho TP.HCM, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông suốt đến người tiêu dùng, Sở Công thương thống nhất về cơ bản phương án vận hành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ này.
Về phương thức hoạt động và quản lý, tổ chức cho các thương nhân đăng ký trước các chủng loại, số lượng hàng hóa, số lượng xe tải, thương lái cũng như người nhận hàng, phương tiện vận chuyển, giờ vào chợ để bố trí, sắp xếp và theo dõi, kiểm soát, bảo đảm quản lý chặt các đối tượng vào chợ. Trong đó, lưu ý, tại các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa chỉ giao - nhận hàng hóa, không tổ chức các hoạt động giao dịch, sơ chế, đóng gói hoặc mua bán hàng hóa.