Mới đây, vào khoảng 21h ngày 13/7 tại xã Hưng Lộc, TP Vinh, một con chó Pitbull nặng gần 60kg đã bị một con rắn hổ mang cắn chết chỉ sau 10 phút bị tiêm nọc. Người chủ của con chó sau đó đã dùng xẻng đập chết con rắn độc.
Xem video:
Con rắn đã được anh đặt cạnh xác của chú chó để cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm của loài rắn này. Con rắn trong video là một con rắn hổ mang đất hay còn gọi là rắn hổ mang một mắt kính (Tên khoa học: Naja kaouthia).
Hổ mang một mắt kính. Ảnh: Pinterest
Đây là loài rắn phân bố từ Ấn Độ ở phía tây cho đến Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia... Đặc điểm dễ dàng phân biệt loại rắn này với các loài rắn hổ mang khác chính là dấu hiệu nằm ở phía sau cổ khi con rắn bành mang ra.
Hổ mang đất có một vòng chữ O tròn màu sáng (một mắt kính) khi rắn bạnh cổ ra, kích thước của một con rắn hổ mang trưởng thành là từ 1.35 đến 1.5 m (con lớn nhất có thể lên đến 2,3 m nhưng rất hiếm).
Giống như nhiều loài rắn khác thì rắn hổ mang đất rất thích những môi trường gần nguồn nước như cánh đồng lúa, sông suối hay vùng thực vật ngập mặn. Tuy nhiên chúng cũng sống ở các các khu rừng, đồng cỏ, cây bụi có độ cao trên 1.000 m.
Rắn hổ đất nguy hiểm như thế nào?
Mặc dù không chủ động tấn công con người hay các loài vật khác (không phải con mồi của rắn) nhưng nếu bị đe dọa thì rắn hổ mang đất rất hung dữ. Chúng sẽ phát ra tiếng kêu xì xì rất lớn và đe dọa đối thủ bằng cách ngóc đầu cao, phùng mang ra.
Hổ mang đất cắn chết chó Pitbull. Ảnh: Soha
Ngoài ra chúng còn có thể phun nọc độc như rắn hổ mèo (nên loài rắn này còn được gọi là rắn hổ mang phun nọc Ấn Độ). Nọc độc của chúng có liều lượng gây chết 50% (LD₅₀) khác nhau khi phân bố ở các quốc gia khác nhau.
Cụ thể liều lượng gây chết 50% ở Thái Lan là 0.18-0.22 µg/g; Malaysia là 0.90-1.11 µg/g và ở Việt Nam là 0.90-1.00 µg/g. Nọc độc này tấn công vào hệ thần kinh sau synap gây liệt cơ và suy hô hấp dẫn đến tử vong ở nạn nhân.
Vết cắn có thể gây hoại tử cục bộ diện rộng, những triệu chứng sau đó có thể là buồn ngủ, hạ huyết áp, cơ thể đỏ bừng, thân nhiệt tăng... Nọc độc của hổ mang đất được đánh giá là còn mạnh hơn cả một số loài rắn cạp nong và thậm chí hổ mang chúa (theo Nanovina).