Cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Hoa Lê| 29/11/2023 09:38

Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024.

Sáng 29/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia - 1

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, có ý kiến đề nghị xem lại nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh chỉ gây ảnh hưởng các tháng đầu năm 2022, khi giao vốn thì cơ bản đã không còn bị ảnh hưởng của dịch.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, tình hình dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian dài, nhất là thời điểm năm 2021 và đầu năm 2022, phần nào ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chương trình. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân "do Covid-19" là phù hợp.

Về nhiệm vụ, giải pháp, có ý kiến đề nghị không đưa nội dung "cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023, được kéo dài thực hiện sang năm 2024" vào Nghị quyết.

Lý do: Chính phủ chưa có báo cáo Quốc hội về nội dung này; Nghị quyết Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã cho phép kéo dài vốn năm 2023; Việc cho phép kéo dài vốn gây lãng phí lớn, tăng chi phí trả lãi và bội chi ngân sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đã có tờ trình ngày 1/11 trình Quốc hội xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước. 

Qua xem xét tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc cho phép kéo dài số vốn trên là cần thiết để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Để việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn có hiệu quả, không gây lãng phí, Dự thảo Nghị quyết đã quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu; đảm bảo việc thực hiện, giải ngân đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm;... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định này trong dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện mà nên giao cho tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện; không nên thí điểm phân cấp cho một vài huyện mà thực hiện đồng loạt ở tất cả các huyện.

Đối với Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện, cần làm rõ vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia - 2

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm (Ảnh: Quốc hội).

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Việc thí điểm là để tổng kết, đánh giá, kiểm tra hiệu quả, tính khả thi hoặc tác động của thí điểm trước khi triển khai rộng rãi. Do đó, Chính phủ sẽ đề xuất phương án phù hợp khi trình Quốc hội về nội dung này, trong đó có vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số địa phương phản ánh khi thực hiện một số kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là trong việc thực hiện chính sách nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do đó, Dự thảo Nghị quyết có quy định giao Kiểm toán nhà nước tham gia với Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, các cơ quan, tổ chức trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO