Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 8/6, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định ô tô.
Theo Cục Đăng kiểm, Nghị định mới giúp cải cách hoạt động của hệ thống đăng kiểm theo hướng vừa siết chặt khâu quản lý của Nhà nước nhưng cũng nới quy định để huy động tối đa nguồn lực phục vụ kiểm định, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Cục Đăng kiểm quản con người, Sở GTVT quản trung tâm
Việc siết chặt quản lý được thể hiện rõ tại Điều 4 của Nghị định 30, trong đó nêu rõ việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch địa phương và số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn; có lối ra vào thuận tiện, không cản trở, ùn tắc giao thông.
Nghị định 30 cũng phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên. Trong đó, Sở GTVT cấp giấy phép cung ứng dịch vụ đăng kiểm ô tô cho các đơn vị trên địa bàn; Cục Đăng kiểm chỉ quản lý nghiệp vụ chuyên ngành và chịu trách nhiệm thực hiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên trên cả nước.
Đối với công tác thanh kiểm tra, Nghị định mới quy định rõ Sở GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tại địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước (Điều 27).
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, nghị định mới cũng quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm; làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ…
Nghị định cũng tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe (Điều 10, Điều 18…). Tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm (khoản 7, khoản 8 Điều 27).
Thêm nhiều bên cung ứng dịch vụ đăng kiểm
Trên tinh thần xây dựng mạng lưới dịch vụ đăng kiểm như một thị trường, Nghị định 30 cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động kiểm định.
Cụ thể, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới; các đơn vị đăng kiểm của công an, quân đội được cung cấp dịch vụ kiểm định khi được sự cho phép của Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng.
Rút kinh nghiệm từ đợt khủng hoảng vừa qua, Chính phủ cũng sửa đổi quy định để lực lượng công an, quân đội được tham gia hỗ trợ kiểm định ô tô dân sự trong trường hợp cấp bách.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự, Nghị định 30 cũng cho điều chỉnh giảm số lượng nhân sự tối thiểu trong mỗi dây chuyền từ 3 người xuống còn 2 người; đồng thời khuyến khích đơn vị đăng kiểm nâng cao tay nghề nhân lực, cải tiến kỹ thuật trong công tác kiểm định.
Quy định khống chế số lượng xe kiểm định trong ngày của đơn vị đăng kiểm cũng được bãi bỏ nhằm phát huy tối đa công suất phục vụ.
Ngoài những nội dung chính trên, Nghị định số 30 còn bổ sung, sửa đổi một số nội dung khác để phù hợp hơn với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế về kiểm định xe cơ giới. Nghị định cũng có điều khoản chuyển tiếp phù hợp (tới trước 01/01/2026) để việc phân cấp tới các Sở GTVT địa phương đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.