Cầu phao tại Cảng cạn ICD Thành Đạt, TP Móng Cái, nơi diễn ra các hoạt động XNK hàng hóa nông sản |
Tính cấp thiết
Những năm gần đây, thương mại nông lâm thủy sản (NLTS) giữa Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh và ổn định. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại mặt hàng NLTS lớn nhất với hơn 21,6% tổng giá trị xuất khẩu, Việt Nam luôn là nước xuất siêu.
Chỉ tính riêng các hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP Móng Cái (Quảng Ninh), lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc qua đây tăng nhanh, nhất là hàng tạm nhập tái xuất vận chuyển bằng container.
Tuy nhiên, do đích cảng thông thường là cảng Hải Phòng nên các doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian, chi phí hoàn thiện thủ tục hải quan ở Hải Phòng, sau đó thuê phương tiện vận tải ra Móng Cái xuất sang Trung Quốc.
Hơn nữa, tại các cảng biển ở Hải Phòng luôn xảy ra tình trạng ách tắc hàng hoá do hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Chính vì thế, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng “Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản Châu Á Thái Bình Dương” có vị trí tại Km3+4, sông Ka Long, TP Móng Cái.
Trung tâm được định hướng là một chợ đầu mối nông sản, là một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị nhằm cung cấp các thủ tục xuất nhập khẩu, các dịch vụ logistics, giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt quy trình, chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Thực tế trong thời gian vừa qua, hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua đường biên còn chậm trễ do khác biệt trong chính sách, những đợt kiểm tra, giám sát và các yêu cầu mới Trung Quốc đưa ra thường gây gián đoạn, khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, có đợt gián đoạn dài ngày gây ách tắc nhiều hàng hóa và tổn thất cho các doanh nghiệp.
Chợ biên giới Móng Cái phần lớn xây dựng từ lâu, đến nay chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp, chưa quy hoạch hệ thống các cặp chợ biên giới dành cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa hai bên biên giới. Do vậy, hoạt động thương mại của cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên vẫn chưa thực sự sôi động, phong phú và chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về thương mại biên giới của các địa phương.
Quy mô “khủng”
Để thúc đẩy xuất, nhập khẩu nông sản bền vững, tháng 12/2019 UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT chấp thuận đưa Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương vào danh mục hoạt động tham gia dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay WB (Ngân hàng Thế giới).
Bốc xếp gạo tại điểm tập kết |
Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương trong Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Km3+4 (sông Ka Long, TP Móng Cái). Dự án bao gồm 3 hợp phần: Xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương; xây dựng năng lực thể chế về an toàn thực phẩm; quản lý dự án. Tổng kinh phí xây dựng là 2.700 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp là 1.884 tỷ đồng; ngân sách Trung ương khoảng 816 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy hải sản Châu Á Thái Bình Dương |
“Hiện nay phía Trung Quốc đang triển khai lực lượng kiểm dịch thực vật tại bến biên mậu đối diện Cảng cạn Km3+4 và qua lối mở cầu phao Móng Cái để kiểm tra mặt hàng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Khi cơ quan kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đi vào hoạt động, điểm xuất hàng tại Cảng cạn Km3+4 sẽ là điểm lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất khẩu mặt hàng hoa quả sang Trung Quốc”, ông Hoàng Quang Thái đại diện Công ty CP Thành Đạt, đơn vị quản lý Cảng cạn ICD Thành Đạt nêu quan điểm.
Việc xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó lấy Trung tâm giao dịch nông sản Châu Á Thái Bình Dương là hạ tầng đầu mối là dự án thực sự cần thiết, được UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn là hoạt động ưu tiên để đề xuất với dự án Thực phẩm An toàn Việt Nam với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng chia sẻ: Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại Thái Bình Dương sẽ là giải pháp hỗ trợ mặt bằng tập kết các mặt hàng nông sản của nhiều vùng trên cả nước, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiện đại nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là địa điểm để các dự án hỗ trợ kỹ thuật có thể triển khai chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, kiểm soát các sự cố về nhiễm độc thực phẩm, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường... Đồng thời, Trung tâm giao dịch nông sản cũng là hình thức kinh doanh thu hút được vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân theo hình thức hợp tác công tư.
Theo đề xuất, tỉnh Quảng Ninh mong muốn được đầu tư Trung tâm này để thúc đẩy hoạt động giao thương hoa quả, nông sản, lâm sản, hải sản trực tiếp sang thị trường Trung Quốc với lượng hàng hóa thông qua khoảng 3 triệu tấn/năm.
“Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá việc xây dựng một trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản với chức năng “chợ đầu mối” ở Quảng Ninh là cần thiết. Bộ sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và các bộ ngành liên quan sớm triển khai các bước xin ý kiến Chính phủ, tiến tới cụ thể hoá dự án trong thời gian tới”.