Sự thành công của con cái chúng ta không chỉ phụ thuộc vào mức sống của gia đình mà còn phụ thuộc vào những bài học về tài chính mà cha mẹ dạy cho con hàng ngày. Trong cuốn sách "Cha giàu, cha nghèo" nổi tiếng của Robert Kiyosaki có câu: "Nếu bạn không dạy con về tiền, ai đó sẽ thay thế bạn làm điều này trong tương lai. Đó có thể là chủ nợ, là một kẻ trục lợi hoặc là cảnh sát hoặc một kẻ lừa đảo".
Là mẹ của cậu con trai Trần Viên (tên ở nhà là bé Ri) năm nay lên 7 tuổi, điều chị Phan Ngọc Phấn (Cần Thơ) quan tâm nhất không phải là điểm số của con mà chính là làm sao để con đọc thật nhiều sách và ưu tiên học từ trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, chị cũng chú trọng việc dạy con về giá trị của tiền bạc, khả năng quản lý tài chính sớm.
Tuy nhiên, thay vì chỉ rao giảng lý thuyết, bà mẹ này có cách làm "lợi cả đôi đường". Đó chính là khuyến khích con cùng bạn tổ chức một đợt bán sách cũ, vừa lan tỏa được văn hóa đọc, vừa thông qua đó giúp con học hỏi được nhiều kiến thức khác hữu ích.
Buổi bán sách "kiếm tiền đi ăn lẩu" thành công ngoài tưởng tượng
Là một người mê sách, thường đọc sách cùng con nên trong nhà chị Phấn, sách là người bạn không thể thiếu. Ở nhà, các bà mẹ vẫn hay tổ chức các buổi đọc sách cho các con giao lưu cùng nhau. Khi tủ sách ngày một đầy lên, chị Phấn nảy ra ý tưởng tổ chức cho con bán sách cũ. Thế là một ngày đẹp trời, Ri rủ rê thêm bạn Dương Gia Hưng (tên ở nhà là Măng) bắt tay thực hiện "kế hoạch nhỏ".
Gọi đùa đây là chiến dịch "kiếm tiền ăn lẩu", các bà mẹ cùng hai cậu nhóc trải sách lên vỉa hè và bắt đầu hành trình "khởi nghiệp". Hào hứng có, vui vẻ có, thất vọng có, cả những giọt nước mắt... suýt rơi. Nhưng từ những trải nghiệm đầy màu sắc ấy, hai "doanh nhân" trẻ đã học được những bài học hữu ích vô cùng.
Các bé biết sắp xếp sách sao cho đẹp và gọn gàng để bán; biết học tính nhẩm số tiền cho khách; biết khi bị khách từ chối mua sẽ cảm thấy thế nào. Đặc biệt, chị Phấn cho biết, để có được 1 buổi bán trọn vẹn thì phụ huynh các bé khá vất vả chứ không phải dễ dàng. Nhất là khâu chuẩn bị tâm lý cho bé. Không ai mua bé buồn cũng cần lời giải thích. Đông khách quá bé rối lên cũng cần được giải thích. Khi có khách gần đó hứa sẽ qua xem sách và mua ủng hộ nhưng lại thất hứa thì bé buồn và thất vọng cũng được cần giải thích tại sao.
"Có rất nhiều phụ huynh hỏi: "Có khi nào bán không được bé buồn rồi oà khóc không?". Dạ thưa có ạ. Tuy 2 bé không khóc nhưng buồn và hỏi tại sao không ai mua ủng hộ tụi con? thì lại phải giải thích", chị Phấn chia sẻ.
Ngày bán đầu tiên, hai cậu nhóc ngồi từ 18h30 đến tầm 20h30. Trong hai tiếng, bán được tầm 25 - 30 cuốn. Đây là thành công bước đầu khiến cả con trẻ lẫn người lớn đều háo hức.
Trải nghiệm của con đáng giá hơn những lời nói "ra vào"
Việc cho Ri và Măng bán sách vỉa hè mấy hôm nay được khá nhiều sự quan tâm, yêu thương và ủng hộ. Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều rằng đây là việc không nên cho trẻ dấn vào con đường cơm áo gạo tiền - ở tuổi này là không cần thiết. Tuy nhiên, chị Phấn cho rằng:
"Mình chọn mặt hàng là sách vì 2 bé cực kỳ yêu thích sách và đã được đọc rất nhiều loại sách khác nhau nên muốn lan toả thêm văn hoá đọc cho nhiều người hơn nữa. Thể loại đa số cũng là thiếu nhi và văn học được mình chọn lọc kỹ càng. Trước tiên mình chỉ muốn con được vui chơi và trải nghiệm. Sau đó mới là nhận biết có bản một chút về giá trị của tiền bạc, sức lao động của mỗi người. Để con học được cách tính toán, cách tiếp xúc với nhiều người. Trẻ nhận biết sớm hay muộn về vấn đề tài chính mình nghĩ không quá quan trọng bằng việc được ba mẹ hướng dẫn một cách đúng đắn nhất có thể.
Tất cả đều là mới mẻ. Đều là trải nghiệm đáng giá, và là niềm vui tuyệt vời của các bé chứ bé chưa hiểu thế nào là cơm áo gạo tiền. Bọn trẻ cũng chưa hiểu là bán được bao nhiêu thì sẽ đủ để ăn lẩu, nên sẽ không có chuyện đánh mất tuổi thơ của trẻ vì trải đời quá sớm. Các con thực sự hào hứng và rất vui chứ không phải bị bắt ép bán.
Chưa kể các bé còn biết bàn kế hoạch làm sao bán được thêm sách khi không ai lại mua. Bàn kế hoạch tuần sau sẽ bán như thế nào? Phân công kế hoạch rõ ràng. Ai giữ tiền, ai mời khách. Rất nhiều thứ các bé nói lên trong buổi bán sách khá thú vị mà ba mẹ đôi khi không nghĩ rằng con có thể nghĩ ra. Với mình, đây là trải nghiệm quá đáng giá".
Theo chị Phấn, trong thời gian sắp tới, hai đứa trẻ sẽ lên kế hoạch đi du lịch bằng cách bán thêm bút bi và vài thứ khác.
Trong cuộc sống hàng ngày, chị Phấn rất chú trọng vào việc dạy con tự lập. Hoàn cảnh gia đình ít người, con lại là con một, rất dễ ỷ lại dựa dẫm vào ba mẹ, chị cố gắng hướng dẫn con tự làm các việc thuộc về mình một cách vui vẻ tự nhiên nhất có thể để con không bị khó chịu khi phải tự làm giống như người lớn.
"Mình bị không ít người nói rằng đã và đang để cho Ri quá tự do. Được phản kháng, được lựa chọn, được ý kiến và được đối chất trực tiếp cùng ba mẹ khi con không đồng ý việc gì đó. Nhưng mình có một vài quy tắc không xê dịch với Ri là: Chỉ được thảo luận không được hỗn hào la hét; khi mất bình tĩnh hoặc mình hoặc Ri thì một trong hai sẽ tạm ngưng và nói chuyện sau; cư xử với nhau như hai người lớn - tôn trọng nhau.
Mình quan niệm con cái được hình thành từ tình yêu và là một con người chứ không phải là sản phẩm mà người lớn muốn nắn nót như thế nào thì ra thế đó. Là con người thì có cảm xúc riêng dù là trẻ em hay người lớn chứ không phải được sản xuất như món đồ.
Mình chắc cũng như các bậc phụ huynh khác là mong con sống vui, khoẻ, bình an. Mình chưa từng mong mỏi con sẽ trở thành ông này bà nọ nên chỉ cần con học đủ tốt nên cũng không áp lực cho con về điểm số", bà mẹ ở Cần Thơ cho biết.
Theo Phụ nữ Việt Nam