Chị Lê Thị Quỳnh – ngụ tại đường Láng, Hà Nội cho biết từ khi con nhỏ nhiễm Covid-19, đang trong quá trình điều trị chị lên mạng đọc thấy nhiều tin tức "hậu Covid" mà lo lắng thật sự. Sau khi bé âm tính, chị cho con đi khám hậu Covid-19 ngay.
Khi vào viện thì số trẻ đến khám quá đông, chị Quỳnh cho con vào 1 bệnh viện tư nhân khám.
Sau khi làm hết các xét nghiệm, bác sĩ cho biết con thứ hai của chị Quỳnh có hiện tượng định lượng D-Dimer cao – nồng độ chỉ số huyết khối trong máu.
Chị Quỳnh sợ hãi nên chuyển con sang BV Nhi trung ương khám lại. Kết quả, bác sĩ cho biết cháu bình thường và bác sĩ kê thêm các vitamin tổng hợp, bổ sung thêm kẽm và dặn cho trẻ uống nhiều nước mà không cần phải điều trị gì.
Cũng giống chị Quỳnh, sau khi khỏi Covid-19 được 1 tuần, con bắt đầu bị tiêu chảy, đau bụng, chị Nguyễn Hải Hà – Văn Khê, Hà Nội vội vàng cho con đi khám. Bác sĩ chỉ kê men tiêu hoá cho bé và dặn cha mẹ theo dõi đây là hiện tượng bình thường của Covid-19. Chị Quỳnh cho biết con chị đã nhiễm Covid-19 vào tháng 1/2021 nên khi tái nhiễm lại chị rất lo lắng cho sức khoẻ của con. May mắn, sau uống men vi sinh 3 hôm, các hiện tượng đau bụng, tiêu chảy hết.
Còn chị Phương Hà – Ba Đình, Hà Nội than thở hai bé nhà chị 6 tuổi và 2 tuổi cùng mắc Covid-19. Sau khi khỏi, chị cho con đi khám hậu Covid-19. Hai bé không có vấn đề gì nhưng bác sĩ vẫn kê cho cả túi thực phẩm chức năng. Kết quả, cả tiền thực phẩm chức năng lẫn tiền thuốc hết 13 triệu đồng. Hiện, các bé đều sợ uống thuốc, bỏ đi thì tiếc mà ép con thì ngày nào cũng như trận chiến, con cố uống rồi oẹ. Chị Hà than thở uống cũng khổ mà bỏ thì tiếc.
Khám hậu Covid-19 cho trẻ, có cần phải chụp cộng hưởng từ? |
Theo TS.BS. Lê Thị Thu Hương - Chuyên khoa Nhi thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ nhỏ cũng như người lớn khi mắc Covid-19 cần có thời gian phục hồi. TS Hương cho biết cha mẹ không cần vội vàng cho con đi kiểm tra hậu Covid-19 ngay sau khi âm tính.
Thời điểm nên cho con đi khám hậu Covid-19 là tuần thứ 4 và tuần thứ 12 tính từ thời điểm xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Mốc thời gian này từ các khuyến cáo của nhiều quốc gia. Ví dụ theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, các triệu chứng tồn tại, tiếp diễn hoặc tái lại hoặc xuất hiện mới sau 4 tuần kể từ khi em bé bị F0 thì được xác định là "hậu Covid-19".
Còn theo Viện NICE - là một viện hàng đầu của Anh và thế giới trong việc xây dựng các hướng dẫn chuyên môn điều trị và tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng, khuyến cáo những triệu chứng tồn tại, tiếp diễn hoặc tái lại hoặc xuất hiện mới sau 4 tuần đến 12 tuần kể từ khi bị F0 được gọi là "Covid kéo dài" và sau 12 tuần thì mới gọi là "hậu Covid". Vì vậy, cha mẹ có thể chọn mốc tuần thứ 4 và tuần thứ 12 tính từ khi bé dương tính để kiểm tra sức khoẻ cho con.
Nếu tuần thứ tư, bé đi khám không có phản ứng viêm, không có vấn đề gì thì tuần thứ 12 không cần đi khám nữa, còn nếu trong tuần thứ tư còn phản ứng viêm thì tuần thứ 12 phải đi khám lại.
Còn nếu sau giai đoạn F0, em bé có bất cứ triệu chứng gì bất thường, đặc biệt là sốt cao thì các ba mẹ phải cho em bé đi khám sớm để được bác sĩ hỗ trợ.
Khi trẻ đã nhiễm Covid-19, cha mẹ vẫn phải phòng bệnh cho trẻ vì trẻ vẫn có thể tái nhiễm. BS Hương cho biết tại phòng khám của BV, bác sĩ đã gặp những em bé tái nhiễm Covid-19 (nhiễm lần 2). Khi nhiễm lần thứ nhất và đã khỏi bệnh, cơ thể của em bé tạo ra kháng thể, có tác dụng bảo vệ em bé lây nhiễm virus.
Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 liên tục biến đổi, vì thế khả năng tái nhiễm của em bé là có và tái nhiễm ở đây là nhiễm chủng virus mới khác với chủng đã nhiễm lần đầu.
Như vậy, dù em bé đã khỏi Covid-19 vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt 5K ở mức cao nhất có thể để phòng ngừa tái nhiễm Covid-19.
Khánh Chi