Chiều 30/10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế.
Đây là thành phố có đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng nhằm giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế.
Theo đề án, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích gần 4.950km2 và dân số hơn 1,2 triệu người. Địa phương này có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).
Theo bà Trà, đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc Trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá mới dựa trên nền tảng, thế mạnh và đặc thù của địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương, giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi.
Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố để tạo động lực cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Từ đó, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, sớm ổn định hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở địa phương, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của nhân dân.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, như vậy mới có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính được thành lập mới.
Tăng thêm 2 phó chủ tịch cho thành phố Thủy Nguyên
Chiều 30/10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố .
Về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường thuộc quận.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay, gồm 1 phó chủ tịch HĐND, 4 phó trưởng ban và 4 ủy viên.
Dự thảo Nghị quyết quy định số lượng phó chủ tịch UBND quận có không quá 3 người; số lượng phó chủ tịch UBND phường không quá 2 người.
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng: Xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng.
Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng tăng thêm 1 phó chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố Thủy Nguyên.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành việc tăng cường bộ máy, tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố Hải Phòng như dự thảo Nghị quyết.
Cơ quan này cũng tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố Hải Phòng để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.
Thẩm tra nội dung này, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định về việc tăng số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường tại thành phố Hải Phòng mà không căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính là chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Do đó, ông Tùng đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định về số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường tại các địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị để phù hợp với quy mô, tính chất và định hướng phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng.
Về việc thành lập thành phố Thủy Nguyên, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc dự thảo Nghị quyết quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố Thủy Nguyên là phù hợp.
Đối với các nội dung cụ thể về HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị được lựa chọn.