Ngày 1/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định Trường Đại học chính thức đổi tên thành Trường Đại học Công Thương TPHCM.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Trường Đại học Công Thương TPHCM tiền thân là Trường Cán bộ kinh tế kỹ thuật công nghiệp thực phẩm TPHCM được thành lập vào năm 1982.
Đến năm 1986, đơn vị này nâng cấp thành Trường Trung học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.
Vào năm 2001, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định nâng cấp trường thành Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TPHCM.
Năm 2010, trường cao đẳng này chính thức trở thành Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM theo quyết định Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ về lý do đề xuất đổi tên trường, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho hay đề xuất đổi tên trường thành Trường Đại học Công Thương bởi trường có 34 những lĩnh vực đang đào tạo nằm trong lĩnh vực của công nghiệp và thương mại.
Trường cũng thuộc đơn vị chủ quản là Bộ Công Thương do đó tên gọi Trường Đại học Công Thương TPHCM sẽ rất phù hợp.
Cùng với đó, ông chỉ ra một số hạn chế ở tên trường dẫn đến có nhầm lẫn.
Theo ông Thanh, qua khảo sát, có đến 90% ý kiến cho biết có sự nhầm lẫn giữa Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM sang Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Thực tế quá trình tiếp nhận công văn, nhà trường cũng nhận được sự nhầm lẫn này.
"Sự nhầm lẫn xuất hiện kể cả từ các cơ quan nhà nước, thư từ, công văn, phụ huynh…. Đây là điều rất đáng tiếc. Một thương hiệu bị nhầm lẫn quá nhiều nên được khẳng định lại, định vị lại", ông Thanh bày tỏ.
Một lý do khác được nhà trường chú trọng nhiều hơn là về quá trình đào tạo, giảng dạy tại trường.
Hiện Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đang đào tạo đến 34 ngành, không chỉ lĩnh vực công nghiệp thực phẩm mà phủ hết cả các lĩnh vực về công thương. Do đó, việc điều chỉnh tên gọi cũng sẽ tạo điều kiện cho tất cả những lĩnh vực khác phát triển.
Khi đổi tên, nhà trường vẫn có định hướng phát triển ngành mũi nhọn, ngành tiên phong là khoa học công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, nội hàm bên trong các ngành đào tạo là câu chuyện quan trọng nhất để khẳng định phát triển ngành nghề.
"Những trường có tên gọi mang tính chất đơn ngành nhưng không còn đào tạo đơn ngành nữa thì cần có sự chuyển đổi hợp để phù hợp xu hướng mới", ông Thanh nhận định.
Lãnh đạo nhà trường cũng chia sẻ trong quá trình thực hiện đề xuất, nhà trường đã tiến hành khảo sát ý kiến lãnh đạo, quản lý, cán bộ giảng viên, sinh viên, học viên, cựu sinh viên…
Kết quả, có tới 70% ủng hộ và 30% chưa đồng thuận, vẫn còn những lưỡng lự. Số lượng ủng hộ lớn giúp nhà trường quyết tâm hơn với đề xuất của mình.