Chính quyền Biden dùng hư chiêu 'mơ hồ chiến lược' với Đài Loan

Lê Thanh Long - Đỗ Hoàng (Viện Biển Đông)| 27/06/2022 14:41

Trong nhiều thập kỷ qua, liên tiếp các đời tổng thống Mỹ theo đuổi “mơ hồ chiến lược” trong vấn đề Đài Loan. Theo đó, Mỹ chủ động “mập mờ” về khả năng can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công.

Thế nhưng, trong hơn một năm cầm quyền, chính quyền Biden đã nhiều lần có những động thái hơi “lệch” so với định hướng này. Liệu đây có phải tín hiệu cho thấy Mỹ đang thay đổi chính sách về Đài Loan?

Chính sách cũ – phát ngôn mới

Quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nhiều lần đưa ra các tuyên bố về Đài Loan khác với định hướng trước đây. Cụ thể, Ngoại trưởng Blinken đã hai lần gọi Đài Loan là một “quốc gia” (10/3 và 13/9/2021) tại các phiên điều trần Quốc hội. Không chỉ Blinken, Tổng thống Biden cũng ít nhất ba lần khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan bằng can thiệp quân sự khi trả lời phỏng vấn (19/8, 22/10/2021 và 23/5/2022).

Sau mỗi lần “nói hớ”, Nhà Trắng hoặc Bộ Ngoại giao phải “chữa cháy” ngay lập tức, tái khẳng định Mỹ không thay đổi chính sách. Gần đây nhất, trong bài phát biểu và trong trao đổi bên lề với người đồng cấp Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng nhắc lại thông điệp này.

Chính quyền Biden dùng hư chiêu “mơ hồ chiến lược” với Đài Loan
Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: REUTERS.

Đáng chú ý, trong tháng 5/2022 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hai lần thay đổi câu chữ trong trang thông tin về quan hệ Mỹ - Đài. Lần đầu tiên vào ngày 3/5, Mỹ bỏ 2 cụm từ “Đài Loan thuộc Trung Quốc” và “Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập”. Lần thứ hai vào ngày 28/5, Mỹ khôi phục cụm từ “Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập” nhưng vẫn bỏ cụm “Đài Loan thuộc Trung Quốc”.

Báo chí đã nhanh chóng nhận thấy những thay đổi này và đặt câu hỏi cho chính quyền Biden. Khi trả lời câu hỏi về các thay đổi này, Phát ngôn viên Ned Price giải thích rằng Mỹ chỉ cập nhật nội dung trang mạng chứ không thay đổi chính sách.

Vô tình hay hữu ý

Washington Post cho rằng có thể nhìn nhận các “sai lầm” trên theo ba kịch bản. Các kịch bản có mức độ khả thi khác nhau.

Kịch bản thứ nhất: quan chức Mỹ nhầm lẫn thực sự. Tư cách quốc gia của Đài Loan và chính sách Đài Loan của Mỹ là hai vấn đề rất phức tạp, khó tránh khỏi nhầm lẫn. Năm lần “nói hớ” trên đều xảy ra trong bối cảnh Blinken và Biden bị hỏi đột ngột.

Tuy nhiên, nếu thực sự chỉ là nhầm lẫn, quan chức Mỹ, nhất là quan chức cấp cao, sẽ không để sai lầm xảy ra nhiều lần như vậy.

Kịch bản thứ hai: Mỹ chuẩn bị cho thay đổi tương lai. Mỹ hữu ý để xảy ra tình huống “sai sót” trên để báo hiệu Mỹ chuẩn bị chuyển từ “mơ hồ chiến lược” sang “rõ ràng chiến lược”.

Tuy nhiên kịch bản này có nhiều lỗ hổng khi: i) Mỹ vẫn liên tiếp khẳng định chính sách Đài Loan không có gì thay đổi và Mỹ coi trọng hợp tác, không muốn đối đầu, xung đột với Trung Quốc; ii) thay đổi chính sách về Đài Loan là vượt qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc - điều khiến nguy cơ bùng nổ xung đột rất cao; iii) trong bối cảnh khu vực và thế giới đặc biệt quan ngại nguy cơ chiến sự Ukraine sẽ lặp lại ở Châu Á, thay đổi chính sách đơn phương của Mỹ có thể cũng sẽ vấp phải sự phản ứng mãnh liệt của đồng minh và đối tác khu vực (Chính quyền Biden không mời Đài Loan tham gia Khuôn khổ Kinh tế IPEF mới cũng nhiều khả năng vì lý do này).

Kịch bản thứ ba: Mỹ giữ nguyên “mơ hồ chiến lược” nhưng có thể điều chỉnh cách triển khai chính sách trong bối cảnh căng thẳng tại Đài Loan nêu trên.

Mỹ cho thấy nhiều biểu hiện của kịch bản này. Blinken ngày 14/6, trước câu hỏi Mỹ có can thiệp quân sự hay không, chỉ trả lời mập mờ Mỹ sẽ duy trì cam kết giúp Đài Loan tự vệ, không nói rõ nội hàm cam kết ấy là gì. Gần đây, Mỹ cũng có những động thái khác cho thấy Mỹ điều chỉnh cách triển khai chính sách với Đài Loan: nhiều chuyến thăm của cựu quan chức Mỹ (Tham mưu trưởng Mike Mullen và Ngoại trưởng Mike Pompeo) và phái đoàn Thượng viện đến thăm Đài Loan; công bố “Sáng kiến thương mại thế kỉ 21” với Đài Loan, nội hàm rất giống với IPEF; bốn lần phê duyệt hợp đồng bán khí tài cho Đài Loan.

Có lẽ, kịch bản thứ ba khả thi nhất. Mỹ có chủ đích khi mập mờ về chính sách “mơ hồ chiến lược” của mình. “Mơ hồ chiến lược” là mũi tên hai đích (vừa răn đe Trung Quốc không tấn công Đài Loan, vừa ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập) nên Mỹ khó có thể từ bỏ. Việc điều chỉnh cách triển khai giúp Mỹ vừa thích ứng với tình hình mới, vừa không phải từ bỏ giá trị răn đe của chính sách cũ, vừa thử phản ứng của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền Biden dùng hư chiêu 'mơ hồ chiến lược' với Đài Loan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO