Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu

Huyền Trần| 18/03/2022 15:01

Vùng đất cao nguyên đá Hà Giang hấp dẫn du khách không chỉ bởi những mùa hoa, những món ăn ngon mà còn cả những cung đường cheo leo hiểm trở bên mép vực thử thách lòng can đảm và trái tim khám phá.

Cung đường đi bộ Vách đá trắng hay còn gọi là Vách đá thần có điểm bắt đầu ở Tượng đài Thanh niên xung phong, kết thúc ở Vách đá thần, nằm ở độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, trên đỉnh núi Cô Tiên, thuộc xã Pải Lủng và xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 1

Con đường chênh vênh bên mép vực

Trước đây tôi từng xem nhiều clip review cung đường này và cảm thấy khá đáng sợ khi chiếc xe máy chạy trên con đường men sát mép vực đá sâu hun hút. Nhưng đến tận nơi mới thấy có lẽ do kỹ thuật chọn góc quay, còn thực tế, con đường có bề ngang nhiều đoạn rộng đến hơn 1m, đi chậm và vững tay lái không hề nguy hiểm. Hơn nữa đây cũng là tuyến đường người dân vẫn thường qua lại hàng ngày.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 2

Một địa điểm được nhiều du khách đến chụp hình check in

Đa số khách du lịch đi con đường này chỉ dừng lại check in ở mỏm đá thần – một nơi nhô ra có view quan sát toàn quốc lộ 4C phía dưới, núi đồi trập trùng. Nhưng mục tiêu của chúng tôi không dừng lại ở đây. Chúng tôi đi tiếp để tìm đường lên Vách đá thần, xuyên qua một thung lũng nhỏ hai bên toàn đá dựng đứng, trên cao người dân đang cần mẫn đốt nương chuẩn bị vụ mùa mới.

Đến một ngã 3 nhỏ thì chúng tôi dừng lại, theo suy đoán của tôi sẽ là rẽ lên con đường trên cao. Nhưng tôi cũng chưa dám chắc do chẳng thấy biển chỉ dẫn, xung quanh nhà người dân đóng cửa im lìm do đã đi làm nương hết. Mở bản đồ ra xem thì google bảo đi lên. Vẫn chưa tin tưởng lắm, tôi ngó xung quanh, thấy một cô người dân tộc nên hỏi đường. Ai ngờ cô không nói được tiếng Kinh, xổ một tràng tiếng Mông làm cả bọn mặt ngáo ngơ luôn, xong cô cứ cười cười chỉ tay lên rồi lại chỉ xuống con đường khác. May mà lúc đấy có một anh dân tộc khác chạy xe máy ngang qua, anh bảo cứ đi lên hướng đấy đúng rồi. Vậy là chúng tôi dựng xe máy ven đường bắt đầu đi bộ.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 3

Mở điện thoại tìm đường trên google

Tôi thích đi bộ. Giống cô Elizabeth trong Kiêu hãnh và định kiến, giống cô gái Anne trong Anne tóc đỏ. Tôi thích đi bộ vì mình có thể thong thả ngắm cảnh, có thể quay đầu lại, quay lại nhìn thứ mình vừa bỏ qua mà không cần nghĩ đến việc dừng xe hay qua đường. Mỗi chuyến đi du lịch, tôi luôn cố gắng dành một khoảng thời gian để đi bộ trên phố, trong rừng, qua bản làng. Lúc chán quá có thể nằm dưới tán cây mà ngủ. Và hầu như tất cả những lần như thế đều rất tuyệt: thời tiết, thiên nhiên, con người, bầu không khí.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 4

Con đường nhỏ dẫn lên vách đá thần

Đi đến gần cuối đường bê tông, chúng tôi gặp một nhóm phải mấy chục người dân đang cùng nhau dọn rẫy. Sườn đồi đất thì ít, đá thì nhiều, vậy mà họ vẫn chăm chỉ dọn. Bọn trẻ con thì có đứa cởi truồng, đứa mặc quần cộc ngồi tự chơi với nhau, phụ nữ thanh niên đều cắm cúi làm, trò chuyện bằng tiếng Mông. Tự nhiên cảnh này làm tôi nhớ đất nước Nepal – nơi người dân cũng tận dụng từng mảnh đất nhỏ xíu giữa núi để trồng rau củ. Chúng tôi lại làm những du khách đam mê trekking, thảnh thơi giữa thiên nhiên mây trời, chẳng bận tâm đến điều gì khác.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 5

Đường đi ngang qua chỗ người dân làm nương

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 6

Càng lên cao con đường càng nhỏ hẹp

Chặng đường đi bộ từ chỗ để xe lên đến đài vọng cảnh khoảng 500m. Từ đây sẽ là đường bậc thang đi bộ hoàn toàn xuống Vách đá thần hay còn gọi là Vách đá trắng.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 7

Toàn cảnh Vách đá thần nhìn từ Đài vọng cảnh

Cả con đường như Vạn lý trường thành này cũng chỉ có bóng dáng 4 du khách chúng tôi, thật vui. Chỉ xui một chút là hôm nay trời hơi mù mịt, nên không ngắm rõ đèo Mã Pí Lèng và sông Nho Quế được, gặp ngày đẹp trời thì tôi tin chắc con đường này ăn đứt mọi cái view sống ảo. Chỉ riêng cảm giác được đi bộ ở đây thôi cũng là quá tuyệt vời rồi, nếu làm cung đường chạy trail ở nơi này thì chắc chắn tôi sẽ đăng ký tham gia ngay.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 8
Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 9

Một số hình ảnh trên tuyến đường đi bộ Vách đá thần

Sau khi đi bộ khoảng 30 phút, chúng tôi đến được Vách đá thần - địa điểm gắn với truyền thuyết nổi tiếng. Truyền thuyết kể lại rằng xưa kia khi con đèo Mã Pí Lèng còn chưa có, từ sông Nho Quế ngước lên vách đá này cao vời vợi. Trên đỉnh núi là nơi ở của một nàng tiên che chở cho mùa màng và người dân quanh vùng. Trên núi có một cây thuốc quý nhưng lại mọc nơi hiểm hóc, tương truyền chưa một ai trèo lên hái thành công vì đường lên hiểm trở.

Một ngày nọ, dưới chân núi có một cặp vợ chồng sống hạnh phúc nhưng chẳng may người vợ bị bệnh nan y. Nghe nói về cây thuốc quý người chồng vẫn bất chấp nguy hiểm leo lên vách núi đá cao trên núi Cô Tiên để hái về chữa cho vợ. Người chồng dũng cảm mang theo hàng trăm, hàng nghìn cọc gỗ đóng vào vách đá để leo lên. Leo mãi, leo mãi cuối cùng người chồng cũng lên được chỗ cây thuốc quý.

Nhưng kỳ lạ thay, khi hái được cây thuốc quý và trèo xuống thì những cọc gỗ cũng biến mất một cách thần bí. Người chồng có được cây thuốc quý và cứu sống được vợ mình. Cũng từ đó đến nay, chưa một ai khác có thể nhìn thấy cây thuốc quý và leo lên trên vách đá được nữa. Cảm động trước tấm lòng chân tình của người chồng dành cho vợ, từ chỗ cây thuốc quý xuất hiện những giọt nước rơi xuống, người dân gọi là “nước mắt Cô tiên” hay “nước mắt của đá”.

Sau này lâu dần người dân đi lại nên hình thành con đường mòn dẫn lên chân Vách đá trắng dẫn sang xã Pải Lủng (Mèo Vạc) và huyện Đồng Văn. Con đường này cũng chính là con đường mà ngày xưa Vua Mèo thường xuyên qua lại và dừng chân để nghỉ ngơi.

Bạn tôi nghe kể thì bảo: địa danh nào nổi tiếng cũng sẽ có 1 truyền thuyết, có lẽ vậy. Truyền thuyết giúp giải thích về nguồn gốc, cái tên của một địa danh, giúp nó trở nên huyễn hoặc, kì bí hơn, dễ nhớ hơn.

Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu - 10

Chúng tôi ngồi ở Vách đá thần nghỉ chân một lúc ngắm cảnh, giá như không nhiều mây mù, giá như có nắng thì cảnh đẹp biết bao nhiêu. Mà dù như thế này thì cũng đã mãn nhãn lắm rồi, không bõ công đi bộ. Vì điểm đến còn nhiều, chúng tôi quyết định kết thúc cung đường đi bộ ở đây, quay ngược trở lại.

Từ Vách đá thần bạn có thể tiếp tục men theo đường mòn và các bậc thang cho đến hết tuyến đi bộ - kết thúc ở một bản làng gần đó, điểm ra sẽ ở giữa đèo, đoạn giữa Điểm dừng chân đèo Mã Pí Lèng và cafe Panorama. Lộ trình toàn tuyến đi bộ dài 5km. Nghĩa là nếu xác định đi trọn cung đường này thì cả đi và về là 10km, vì giống chúng tôi, bạn phải quay lại lấy xe máy. Bạn nên mang theo chút đồ ăn nhẹ và nước uống để lấy sức chinh phục tuyến đường đi bộ có một không hai này nhé.

Chính vì những con đường lạ lẫm thú vị như thế này nên Hà Giang vẫn mãi là vùng đất dù bạn có đến bao nhiêu lần vẫn không thấy nhàm chán phải không nào?

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/chinh-phuc-vach-da-than-con-duong-di-bo-chenh-venh-ben-vuc-sau-c14a27804.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/chinh-phuc-vach-da-than-con-duong-di-bo-chenh-venh-ben-vuc-sau-c14a27804.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chinh phục vách đá thần - con đường đi bộ chênh vênh bên vực sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO