Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Cần có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Cần điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Trước đó, ngày 8-3, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH, cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD.
Từ đó xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD, nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD…
Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023, việc Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.
Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết: "Hiện nay, NHNN đang khẩn trương thực hiện xây dựng dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023)".