Chính phủ trình Quốc hội giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

04/01/2022 10:32

Tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ trình Quốc hội giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ có Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 2/1/2022 trình Quốc hội đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Quá trình xây dựng Chương trình đã bám sát nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các kết luận Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công 5 năm 2021-2025 và năm 2022; Nghị quyết về kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm

Quan điểm xây dựng Chương trình là: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm, hằng năm đã được Quốc hội thông qua, Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Chương trình có quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tránh lãng phí nguồn lực, gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cấp ủy, chính quyền các cấp với kết quả thực hiện; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả, có khả năng hấp thụ nhanh, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Mục tiêu của Chương trình là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng)...

Chính phủ sẽ nghiêm túc, khẩn trương ban hành nhanh các giải pháp thuộc thẩm quyền

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình. Cụ thể: Tăng bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Cho phép: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm. Chấp thuận việc NSNN có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính-NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác. Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ dự toán NSNN và phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã đủ thủ tục theo quy định.

Tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240.000 tỷ đồng tại mục 1 nêu trên).

Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023.

Cho phép bố trí NSNN để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ nghiêm túc, khẩn trương tổ chức triển khai, ban hành nhanh các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phân công chi tiết nhiệm vụ cho các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi, tránh lạm dụng chính sách, gắn với cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát thực hiện.

Hải Liên

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Chính phủ trình Quốc hội giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO