Dự án chống ngập 10.000 tỷ có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hiện đã đạt 96% khối lượng công việc |
Ông Mai Tiến Dũng- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước và hiện nay đang chịu tác động nặng của biến đổi khí hậu.
Mỗi khi mưa lớn, triều cường, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…đã nghiêm trọng lại càng nghiêm trọng hơn. Do vậy, việc triển khai các dự án chống ngập là yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để làm rõ hơn cơ sở pháp lý việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm gỡ vướng cho dự án chống ngập do triều có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu tại TP.HCM.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp, hai bộ đã có ý kiến thống nhất việc Chính phủ ban hành Nghị quyết là có cơ sở và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Đây là dự án cấp bách của TP.HCM và đã thực hiện trên 96% khối lượng công việc, nếu để chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực kinh tế xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội đầu tư”- ông Dũng nhìn nhận.
Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng việc Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc tiếp tục triển khai thực hiện để sớm hoàn thành, phát huy hiệu của đầu tư dự án là cần thiết.
Thực tế Chính phủ đã ban hành Nghị quyết có tính tương đồng với dự án này, đó là Nghị quyết 140 ngày 9/11/2018 đối với dự án nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai đoạn trên tỉnh Phú Yên, dự án áp dụng loại hình BT và thanh toán bằng tiền.
Vì thế, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong ngày 1/4/2021.
“Đừng đổ lỗi cho Chính phủ nếu dự án này không phát huy hiệu quả vì thành phố đã phê duyệt dự án. Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn nhưng TP.HCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đúng quy định pháp luật”- người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.