Chính phủ đồng thuận giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: Việt Linh. |
Trong phiên họp Quốc hội chiều ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Giảm phí trước bạ, không giảm thuế VAT
Liên quan đến đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước, Bộ trưởng cho biết đã trình với Chính phủ và Chính phủ cũng đồng thuận với kiến nghị này.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã gửi công văn cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, với nội dung liên quan đến mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dựa theo nội dung công văn nói trên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ và trình Chính phủ trước ngày 15/6.
Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế VAT dành cho ôtô, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ ôtô là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Do đó, ôtô sẽ không được giảm thuế VAT bởi chính sách này chủ yếu áp dụng cho lĩnh vực thiết yếu.
Ôtô sẽ không được giảm 2% thuế VAT. Ảnh: Việt Linh. |
Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan, trong đó nêu kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay, đồng thời đề xuất tiếp tục chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhóm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Sau đó không lâu, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Ôtô Việt Nam (VIVA) cũng gửi đơn lên Quốc hội Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ về kiến nghị đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối với dòng ôtô nhập khẩu.
Các đề xuất nói trên diễn ra giữa bối cảnh doanh số thị trường ôtô Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Sức mua kém, nguồn cung ôtô liên tục giảm
Theo báo cáo của VAMA, toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 92.801 ôtô các loại sau 4 tháng đầu năm, giảm 30% so với cùng kỳ của năm 2022.
Doanh số của nhóm ôtô lắp ráp trong nước đạt 50.017 xe, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức bán của nhóm xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cũng thấp hơn 16% so với 4 tháng đầu năm 2022 và chỉ đạt 42.784 khi tháng đầu quý II khép lại.
Sức mua suy yếu của thị trường được cho là một phần nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất ôtô trong nước cũng như nhập khẩu xe nguyên chiếc từ nước ngoài chịu ảnh hưởng không ít trong các tháng gần đây.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan cho thấy kể từ tháng 3, tổng nguồn cung ôtô cho thị trường Việt Nam bao gồm xe nội địa và nhóm ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã sụt giảm liên tục trong 2 kỳ liên tiếp.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng lượng ôtô mới bổ sung cho thị trường Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 37.000 xe, giảm 4,5% so với tháng trước đó.
Các báo cáo cũng cho thấy sau 5 tháng đầu năm, tổng lượng ôtô được đăng ký tờ khai nhập khẩu tại các cảng Việt Nam theo ước tính là 64.344 xe với tổng kim ngạch gần 1,5 tỷ USD.
Nhờ hoạt động nhập khẩu diễn ra tương đối mạnh mẽ trong quý đầu năm, ước tính lượng ôtô nhập khẩu lũy kế tính đến hết tháng 5 vẫn tăng 26,7% về số lượng và 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tổng sản lượng ôtô nội địa của Việt Nam ở cùng kỳ ước đạt 133.600 xe, giảm đến 24% so với 5 tháng đầu năm 2022.