Chim ưng đỏ của không quân Mỹ

11/07/2023 08:24

Ngày 28-6, lần đầu tiên máy bay huấn luyện phản lực siêu âm tiên tiến có tên gọi T-7A Red Hawk (Chim ưng đỏ) đã được không quân Mỹ đưa vào bay thực nghiệm.

Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế St.Louis Lambert, bang Missouri (Mỹ) được điều khiển bởi Thiếu tá phi công Bryce Turner của không quân Mỹ ở ghế lái chính và phi công Steve Schmidt của nhà sản xuất Boeing ở ghế phụ. Chuyến bay kéo dài trong khoảng nửa giờ và T-7A Red Hawk đã trở về điểm xuất phát an toàn. Đây là chuyến bay được mong đợi từ lâu khi kế hoạch xuất xưởng loại máy bay huấn luyện này đã nhiều lần bị trì hoãn do các vấn đề liên quan đến trục trặc trong phần mềm điều khiển bay và hệ thống thoát hiểm.

Sau khi kết thúc các chuyến bay thực nghiệm, nếu đạt kết quả tốt, dự kiến lô máy bay đầu tiên theo đơn đặt hàng sẽ được bàn giao cho không quân Mỹ vào năm 2025, hoặc nếu thuận lợi, vào quý III-2024. Boeing đã nhận được hợp đồng “khủng” trị giá 9,2 tỷ USD để chế tạo 351 chiếc T-7A Red Hawk và 46 thiết bị mô phỏng huấn luyện trên mặt đất cho không quân Mỹ. Tính trung bình, mỗi chiếc Chim ưng đỏ này có giá khoảng 23 triệu USD.

T-7A Red Hawk được thiết kế hoàn chỉnh bằng cách sử dụng các hệ thống quản lý dữ liệu dựa trên mô hình 3D được phát triển tại Boeing trong suốt hai thập kỷ qua. Đây là sản phẩm do nhà sản xuất Boeing của Mỹ và công ty chế tạo hàng không Saab của Thụy Điển hợp tác nghiên cứu, phát triển. Không quân Mỹ dự kiến sẽ sử dụng T-7A Red Hawk để thay thế cho hơn 400 máy bay huấn luyện phản lực siêu thanh T-38 Talon do Northrop Grumman sản xuất. Những chiếc T-38 Talon này đã có tuổi đời hơn 60 năm, dù vẫn hoạt động tốt nhưng đã lỗi thời và thiếu hệ thống điện tử hàng không để cho phép các học viên thực hành những tính năng mới đang trở nên phổ biến trên các loại máy bay phản lực hiện đại của không quân Mỹ.

Máy bay huấn luyện phản lực siêu âm tiên tiến T-7A Red Hawk. Ảnh: Boeing.com 

Cũng vì T-38 thiếu rất nhiều tính năng nên các học viên phi công phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn để huấn luyện thêm trên những máy bay chiến đấu đắt tiền, khiến chi phí huấn luyện càng đội lên cao. Theo Popular Mechanics, không quân Mỹ dự kiến chi 750 triệu USD để kéo dài tuổi thọ của nhiều chiếc T-38 Talon trong thời gian chờ đợi T-7A Red Hawk được biên chế, và tất nhiên, chi phí sẽ đội lên nếu T-7A Red Hawk không được bàn giao đúng thời hạn.

T-7A Red Hawk được thiết kế đi kèm với các thiết bị mô phỏng huấn luyện công nghệ cao. Một chiếc Chim ưng đỏ có trọng lượng 12 tấn, chiều dài 14m, chiều rộng 10m, chiều cao 4m, trang bị một động cơ GE F404 cho phép bay với tốc độ tối đa 1.300km/giờ, tốc độ hành trình đạt 970km/giờ, tầm hoạt động 1.830km, trần bay 15.000m, tốc độ leo cao tối đa 170m/giây.

Sự ra đời của T-7A Red Hawk phù hợp với chiến lược đào tạo phi công thế hệ mới của không quân Mỹ, khi nó cho phép tích hợp các khái niệm và tính năng mới nhanh hơn, hợp lý hơn thông qua thực nghiệm ảo. Với T-7A Red Hawk, khả năng hỗ trợ bay được cải thiện, thiết kế được đổi mới để trở nên thân thiện với bảo trì. Máy bay được chế tạo với các quy trình kỹ thuật số, phát triển phần mềm linh hoạt và hệ thống kiến trúc mở để có thể điều chỉnh tương thích với các trang bị vũ khí phát triển sau này, trong khi mức giá lại tương đối dễ chịu.

So với các chương trình phát triển máy bay truyền thống, việc sản xuất T-7A Red Hawk đem lại nhiều thuận lợi: Quy trình sản xuất công nghệ kỹ thuật số giúp tăng 75% chất lượng kỹ thuật ngay trong lần đầu tiên; giảm 80% số giờ lắp ráp; giảm 50% thời gian phát triển và xác minh phần mềm.

Một phó chủ tịch cấp cao của Boeing, bà Shelley Lavender cho biết: “Tương lai của sự thống trị trên không nằm ở khả năng di chuyển nhanh, chấp nhận rủi ro thông minh và hợp tác theo những cách mới để hoàn thành công việc... Với T-7A Red Hawk, chúng tôi có thể đẩy nhanh thời gian chế tạo và nâng cao chất lượng đi kèm mức giá cạnh tranh theo cách chưa từng được thực hiện trước đây”.

HÀ PHƯƠNG

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chim ưng đỏ của không quân Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO