Biếu Tết nội hơn hay ngoại hơn?
Con dâu bị mẹ chồng rút dép đánh tới tấp giữa đám cưới, lý do phía sau mới thực sự gây sửng sốt
Con dâu bị mẹ chồng rút dép đánh tới tấp giữa đám cưới, lý do phía sau mới thực sự gây sửng sốt
Chị Phạm Quỳnh Như quê ở Bắc Ninh nhưng lại lấy chồng người Nghệ An. Chị và chồng hiện sinh sống ở Hà Nội nên năm nào cũng ngược xuôi ăn Tết mấy nơi.
Ngoài việc sắm sửa Tết cho tổ ấm riêng của mình, năm nào, chị Như cũng dành một khoản tiền để biếu bố mẹ hai bên.
"Hàng năm, gia đình tôi thống nhất biếu bên nội bên ngoại bằng nhau, đều là 5 triệu đồng và một cây quất hoặc cành đào 1 triệu đồng. Tổng cộng là 12 triệu đồng.
Tuy nhiên năm nay, do thu nhập của cả hai vợ chồng đều giảm sút nên tôi đề xuất giảm xuống chỉ còn 3 triệu đồng mỗi bên, chồng tôi không đồng ý nên hai vợ chồng xảy ra tranh luận", chị Như kể.
Nhiều gia đình đau đầu trong việc chọn quà biếu Tết và cân đối mức tài chính biếu hai bên nội, ngoại (Ảnh: Hồng Anh).
Vợ chồng chị Trần Thị Thảo (Xuân Trường, Nam Định) cũng có thói quen biếu bố mẹ đôi bên một khoản tiền ăn Tết. Tuy nhiên năm nay, do con gái chị Thảo vào đại học, mỗi tháng phải chi tiêu nhiều, trong khi thu nhập của hai vợ chồng không tăng lên. Chồng chị Thảo bóng gió nói "hay là biếu bên ngoại ít hơn".
Theo cách diễn đạt của chồng, chị Thảo hiểu rằng, vì vợ chồng chị ăn Tết ở bên nội là chủ yếu nên chi phí bố mẹ chồng bỏ ra sẽ nhiều hơn. Vì vậy, nên biếu bên nội nhiều hơn.
"Chồng không nói thẳng ra nhưng tôi nghe cũng thấy chạnh lòng. Hai bên nội ngoại tôi đều sắm sửa như nhau, bố mẹ nào cũng là bố mẹ, sao phải biếu hơn biếu kém?", chị Thảo nói.
Trải qua một năm vất vả, anh Vũ Quốc Trung cũng mong muốn một cái Tết đoàn viên, trọn vẹn bên gia đình. Tuy nhiên, tiền xe cộ và vé máy bay để anh di chuyển từ Bình Dương về quê ở Hưng Yên là không hề rẻ.
Anh Trung kể, vợ chồng anh đều làm trong một công ty sản xuất đồ gỗ nội thất ở khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương. Tết là dịp anh về thăm nhà, cũng là dịp để anh có chút quà báo hiếu cha mẹ.
"Tết năm nay, tôi dự định mua 2 chỉ vàng - khoảng 15 triệu đồng - để biếu bố mẹ đôi bên. Tuy nhiên vợ tôi không đồng ý và nói chỉ biếu 3 triệu đồng mỗi bên. Tôi đi làm cả năm mà chỉ biếu bố mẹ được từng ấy thấy cũng không đành lòng", anh Trung nói.
Vì không thống nhất được ý kiến về khoản biếu Tết nội ngoại, trong lúc nóng giận, anh Trung đã to tiếng với vợ. Vợ chồng vì thế mà chiến tranh lạnh cả tuần.
Không chỉ riêng vợ chồng anh Trung, chị Thảo… nhiều cặp vợ chồng khác cũng từng gặp bất đồng khi biếu Tết bên nội, bên ngoại. Có gia đình chồng muốn biếu bên nội nhiều hơn, song có trường hợp vợ lại muốn biếu bên ngoại nhiều hơn vì mình không được ăn Tết ở nhà ngoại. Mỗi người đều có lý lẽ riêng và ai cũng cho rằng mình đúng.
Các cặp vợ chồng trẻ thường lục đục về chuyện biếu Tết nội ngoại
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Trung tâm Coaching Hạnh Phúc) cho rằng, khi biếu Tết nội ngoại, các cặp vợ chồng không nên đặt nặng yếu tố vật chất.
Chọn quà Tết điều quan trọng trước tiên là cả hai phải cảm thấy phù hợp với điều kiện gia đình và hài hòa với đôi bên nội ngoại.
Đối với những trường hợp quá căn ke về tài chính thì phương án phổ biến vẫn là cào bằng, bên nội bên ngoại như nhau. Việc biếu bao nhiêu tiền thì cần căn cứ vào điều kiện kinh tế.
"Điều này liên quan đến cách quản lý tài chính của mỗi gia đình. Trong năm, mỗi gia đình có thể để 10% tổng thu nhập trong tháng cho việc hiếu hỉ, nếu không chi hết thì để phần còn dư đến cuối năm.
Tháng cuối năm, ngoài số tiền hiếu hỉ lễ nghi của tháng đó, các cặp vợ chồng cộng thêm phần còn dư trong năm rồi chia ra biếu đôi bên bố mẹ", chuyên gia tâm lý gợi ý.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi biếu Tết bố mẹ cũng nên có sự linh hoạt.
Nếu một trong hai bên nội ngoại không có điều kiện tài chính, bố mẹ không có lương hưu… thì các cặp vợ chồng không nhất thiết phải cào bằng mà có thể biếu thêm ông bà bên đó một chút để cả hai có thêm kinh tế lo Tết.
Không nên quá so đo vì ăn chỗ này, ở chỗ kia mà biếu bên hơn bên kém, hãy xem đây là dịp để biểu lộ tình cảm, sự quan tâm của mình với bố mẹ đôi bên.
"Nếu ông bà có điều kiện kinh tế thì thông thường cũng không ai cần tiền của con cái để chăm lo cho sức khỏe hay đời sống vật chất. Việc biếu quà Tết lúc này mang tính chất lễ nghi nhiều hơn. Các cặp vợ chồng có thể mua những thứ đơn giản, thiết thực", chuyên gia Trần Kim Thành nói.
Theo chuyên gia Trần Kim Thành, thông thường các cặp vợ chồng trẻ thường lục đục về chuyện biếu Tết nội ngoại nhiều hơn. Họ chưa thống nhất về cách quản lý tài chính, chưa có tiếng nói chung trong các khoản chi tiêu.
Điều quan trọng nhất để không xảy ra tranh cãi, chiến tranh lạnh là hai vợ chồng cần thống nhất chung về tài chính, coi bố mẹ nội ngoại như nhau thì việc tết nội ngoại thế nào lại rất đơn giản.
Chị Trần Thị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, ngay từ khi mới cưới chị đã thống nhất rằng, cả hai vợ chồng không bao giờ được có tâm lý phân biệt nội, ngoại bởi bố mẹ nào cũng cần phải yêu thương, chăm sóc và báo hiếu. Chính vì vậy, Tết năm nào, vợ chồng anh chị cũng biếu bố mẹ mỗi bên 10 triệu đồng.
"Tôi nghĩ, các cặp vợ chồng nên có sự thống nhất bàn bạc ngay từ đầu. Không chỉ trong chuyện biếu Tết mà tất cả mọi việc trong đời sống luôn phải coi nội, ngoại như nhau. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, tôi vẫn giữ thói quen cũ, biếu nội ngoại mỗi bên 10 triệu đồng", chị Hồng nói.
Theo Dân trí