Chiến thuật "mèo vờn chuột" của Ukraine đối phó các cuộc tập kích của Nga

23/12/2022 14:30

Sự phối hợp giữa lực lượng trên không và mặt đất giúp Ukraine bắn hạ hàng trăm tên lửa Nga, song việc máy bay chiến đấu quá cũ kỹ hay kho tên lửa cạn kiệt đang làm giảm khả năng phòng thủ của Kiev.

Chiến thuật mèo vờn chuột của Ukraine đối phó các cuộc tập kích của Nga - 1

Một máy bay MiG-29 của Ukraine (Ảnh minh họa: Getty).

"Mèo vờn chuột"

Khi các tên lửa hành trình của Nga tăng tốc hướng về phía mục tiêu, Juice, một phi công của Ukraine lái máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô đã đuổi theo và khóa được hai tên lửa trên radar. Tuy nhiên, anh đã không thể khai hỏa vì chúng đang tiến gần một khu đông dân cư, việc bắn hạ các tên lửa lúc đó rất rủi ro.

Juice cho biết, anh đã chuyển các mục tiêu này cho lực lượng phòng không trên mặt đất của Ukraine, và lực lượng này đã bắn hạ chúng, giống cách họ đã làm với hàng trăm tên lửa mà Nga dội xuống kể từ tháng 10/2022. Sự phối hợp ăn ý này đã giúp Kiev giảm thiểu thiệt hại do chiến dịch không kích của Nga gây ra.

Nga đã thực hiện 9 cuộc không kích quy mô lớn, thường bắn hơn 70 tên lửa cùng lúc, kể từ ngày 10/10. Các cuộc tập kích này đã phá hủy 50% cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, gây mất điện, nước sinh hoạt, tín hiệu di động và hệ thống sưởi của Ukraine. Lầu Năm Góc cho biết, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga một phần là nhằm làm cạn kiệt nguồn cung cấp cho lực lượng phòng không của Kiev, sau đó là nhằm kiểm soát bầu trời nước này.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Ukraine, tỷ lệ bắn hạ tên lửa của Ukraine dao động từ khoảng 50%-85%.

Lực lượng phòng không của Ukraine được phân bổ khá mỏng trên phạm vi toàn lãnh thổ, trong đó, họ tập trung chủ yếu ở gần các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, các phi công chiến đấu như Juice được điều động để lấp những khu vực trống ở giữa.

Đây rõ ràng là một nhiệm vụ rất khó khăn. Juice cho biết, anh đã không bắn hạ được một chiếc máy bay không người lái hay tên lửa nào từ chiếc MiG-29 của mình. MiG-29 là loại máy bay được lắp ráp trước khi Ukraine giành được độc lập vào năm 1991.

"Các máy bay phản lực của chúng tôi không đủ khả năng để làm nhiệm vụ đó một cách hiệu quả", Juice nói. Anh cho biết, bản thân luôn phải trong tình trạng sẵn sàng cao độ tại điểm được phân công ở miền Trung Ukraine.

Theo Juice, các loại radar cũ rất khó phát hiện được mục tiêu đang bay đến, đặc biệt là với máy bay không người lái Shahed bay tầm thấp và di chuyển chậm.

Trong những đợt không kích, chẳng hạn như ngày 5/12, Juice không thể bắn vào mục tiêu vì anh ở quá gần khu vực đông dân cư.

Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cũng khẳng định, các đơn vị phòng không trên mặt đất đã bắn hạ phần lớn tên lửa và máy bay không người lái của Nga, mà không phải các máy bay chiến đấu cũ kỹ kia.

"Cả tên lửa và máy bay không người lái đều bay dọc theo các con sông ở mức thấp nhất có thể và biến mất khỏi radar. Nếu chúng đủ thấp, chúng sẽ biến mất", ông Ihnat nói.

Sau các đợt tập kích tên lửa quy mô lớn, tình báo Nga có xu hướng tạm dừng nhiều ngày để đánh giá họ đã bắn trúng hay bỏ sót những mục tiêu nào, đồng thời, định vị lại các đơn vị phòng không của Ukraine cũng như tìm kiếm những điểm yếu để khai thác, các quan chức Ukraine nói với Reuters.

Đối với Ukraine, việc thu thập thông tin từ các cơ quan tình báo trong nước và phương tây đóng vai trò chính trong việc giúp Ukraine chuẩn bị cho các cuộc không kích tiếp theo của Nga, ông Denys Smazhnyi, một quan chức huấn luyện phòng không cấp cao, nói với Reuters. "Vì vậy, chúng tôi thường biết những mục tiêu nào đang bị tấn công. Khi đó, chúng tôi sẽ tổ chức một số lực lượng phòng không xung quanh vị trí đó".

Dự trữ tên lửa cạn kiệt

Chiến thuật mèo vờn chuột của Ukraine đối phó các cuộc tập kích của Nga - 2

Một tàu chiến của Nga khai hỏa tên lửa hành trình nhằm vào Ukraine, bức ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 31/10 (Ảnh: AP).

Giám đốc tình báo quân sự Ukraine ước tính rằng, số lượng vũ khí có độ chính xác cao của Nga có lẽ chỉ còn đủ để họ tiến hành thêm một vài cuộc không kích lớn nữa. Mặt khác, các quan chức Ukraine thừa nhận, kho vũ khí phòng thủ của chính họ cũng đang cạn kiệt khi cuộc xung đột đã kéo dài tới 10 tháng.

Ông Ihnat cho biết, dù phương Tây cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine, bao gồm hệ thống NASAMS tinh vi của Mỹ và hệ thống IRIS-T của Đức, vũ khí thời Liên Xô vẫn là cốt lõi của lực lượng phòng không Ukraine.

"Hệ thống phòng không thời Liên Xô của chúng tôi, như S-300 và BUK, đang cạn kiệt. Chúng tôi không thể duy trì hệ thống phòng không mãi được vì tất cả phụ tùng thay thế duy nhất của chúng đều được sản xuất tại Nga", ông nói thêm.

Các hệ thống phòng không phương Tây cung cấp cho Ukraine hoạt động tốt, nhưng nguồn cung bị thiếu nhiều so với nhu cầu, theo cả hai quan chức trên.

"Thiết bị của Nga thì cũ kỹ, còn chúng tôi cũng đang cạn dần tên lửa. Tôi không khẳng định rằng kho tên lửa sẽ hết trong vài ngày hay vài tuần tới. Điều đó còn phụ thuộc vào cường độ các cuộc tấn công từ Nga", ông Smazhnyi nói.

Đến ngày 7/12, Nga được cho là đã phóng hơn 1.000 tên lửa và rocket vào lưới điện của Ukraine, công ty điện quốc gia Ukraine ước tính.

Ông Ihnat cho biết, việc sản xuất IRIS-T đã ở công suất tối đa và do đó, Ukraine nên tập trung vào việc làm sao có được càng nhiều nguồn cung NASAMS càng tốt.

"Chúng tôi sắp đi qua một tháng của mùa đông… Tôi nghĩ chúng tôi sẽ sống sót. Nhưng giờ cung cấp tên lửa tốt hơn là cung cấp máy phát điện", ông nói.

Juice và nhiều đồng nghiệp của anh trong Lực lượng Không quân Ukraine dự đoán rằng, một ngày nào đó, Ukraine sẽ nhận được máy bay của phương Tây, như máy bay chiến đấu đa năng F-16 của Mỹ. Tuy nhiên, hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy kế hoạch chuyển giao F-16 sắp xảy ra hoặc đã được chấp thuận.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Chiến thuật "mèo vờn chuột" của Ukraine đối phó các cuộc tập kích của Nga
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO