“Chiến thần review”? Không dễ

ThS Lê Anh Tú - Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, ĐH Văn Lang| 13/08/2022 17:00

Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra một lời nhận định, phê bình, khen chê. Nhưng để trở thành một người chuyên nghiệp ở lĩnh vực nhận xét, phê bình, thật không dễ chút nào.

Quay clip review hàng quán đã trở thành xu hướng suốt thời gian qua. Những TikToker, YouTuber “review” quán ăn cũng trở nên đông đảo hơn. Từ đó xảy ra nhiều câu chuyện tranh cãi về việc khen chê quán và các món ăn trên không gian mạng.

3(1).jpg
Nghề review sản phẩm ngày càng thu hút giới trẻ.

Khi mạng xã hội thay đổi “cuộc chơi”

Từ khi mạng xã hội (MXH) phát triển mạnh ở các nước phát triển và dần được đông đảo người dùng toàn cầu yêu thích, các clip hay hình ảnh, bài viết mang tính bình phẩm, nhận xét, phân tích, hay khen chê đơn thuần, gọi chung là review content, đã xuất hiện. Từ góc độ chuyên môn nghiên cứu về truyền thông Đa phương tiện, tôi cho rằng đây không phải là một hình thái truyền thông mới hay xu hướng truyền thông mới. Tuy nhiên, nếu xét riêng ở Việt Nam, trong một, hai năm gần đây, các YouTuber và gần nhất là TikToker phát triển mảng review rất mạnh. Đó có thể là nhờ vào sự phát triển của dạng hình truyền thông nghe nhìn (videos/ media/ visual communication) luôn dễ tiếp nhận và có sức lan toả rộng hơn so với truyền thông dạng văn bản (text).

co-duoc-phep-cam-khach-hang-den-review-hay-khong-910x910.jpg
Mối quan hệ giữa các cửa hàng và các 'chiến thần review' trở nên lạnh nhạt.

Trước đây, muốn xem review món ăn, quán ăn, khán giả thường phải chọn kênh truyền hình yêu thích, có uy tín, và chờ xem vào khung giờ phù hợp. Song giờ đây họ có thể xem bất cứ lúc nào trên các MXH sử dụng tích hợp đa phương tiện như Facebook, hoặc chuyên biệt cho các định dạng media như YouTube hay TikTok. Tính tiện dụng của phương thức phân phối sản phẩm truyền thông mới đã tạo một sự thay đổi mang tính cơ bản trong tâm lý và hành vi người tiêu thụ, tức khán gỉa. Đồng thời, số lượng khán giả tiếp cận được thông tin trên MXH cũng ngày một đông hơn so với cách tiếp cận thông tin truyền thống trên báo, đài.
Một lí do khác theo tôi cũng không kém phần quan trọng, đó là nhóm khán giả mục tiêu, hay còn gọi là công chúng truyền thông (target audiance) của YouTube, TikTok là nhóm đối tượng trẻ. Nhóm này, đặc biệt là Gen Z (sinh năm 1995 – 2010) đang chiếm tỷ trọng khá đông đảo trong dân số VN.

“Quyền lực” của reviewer?

Vậy, có thể nào vai trò của các “nhà phê bình trên mạng” sẽ lấn át giới chuyên gia? Tôi tin rằng nếu trong các cuộc thi có quy chuẩn, hoặc các buổi training đúng bài bản tại trường lớp, có cấp chứng chỉ, bằng cấp, các reviewer “tự xưng là chuyên gia” sẽ khó lòng “lấn sân” giới chuyên gia ẩm thực được đào tạo bài bản, hàn lâm. Song trong môi trường mạng xã hội, ý kiến của của các reviewer nào phù hợp với thị hiếu của khán giả mục tiêu sẽ có khả năng nhận được sự tán đồng cao, từ đó phát triển mạnh cộng đồng ủng hộ mình. Điều này không sai nếu như các reviewer này mang đến thông tin sâu sắc, tích cực, thêm kiến thức và giá trị sống cho khán giả. Song nếu các reviewer đưa ra những nhận định dựa trên thông tin sai lệch (fakenews), những giả định sai hoặc thiếu kiến thức nền tảng, rất có thể họ sẽ khiến cho những định kiến cũ bị khắc sâu, hoặc tạo ra nhiều thiên kiến mới một cách vô tình hay hữu ý.

297416605_5740407929324553_4494143492795492705_n-1659880246-92.jpg

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng sức mạnh của người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng (influencer hay KOL) trên MXH là có thực, chứ không hề ảo. Nói như vậy là vì họ có nhóm cộng đồng ủng hộ đông đảo, có thể từ vài ngàn đến hàng vài chục triệu người. Nhưng lạm dụng quyền lực trên không gian mạng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính các reviewer đó. Nói một cách công bằng, danh tiếng và uy tín được tạo ra trên MXH không thể một sớm một chiều, các reviewer cũng phải rất vất vả bỏ công sức, thời gian, tiền bạc và chất xám để gầy dựng tên tuổi. Song nếu bị “bốc phốt” là đưa thông tin xuyên tạc, thiếu khách quan, câu view hay lợi dụng tên tuổi để thực hiện các clip không đúng sự thật, các reviewer sẽ dễ dàng đánh mất thương hiệu cá nhân của mình, từ đó cộng đồng ủng hộ cũng giảm sút, thậm chí tan rã.

Làm thế nào để cộng đồng mạng tránh được tính tiêu cực trong các nội dung mang tính review trên MXH? Tôi tin rằng cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra. Không có một dạng thông tin định hướng tiêu cực nào tồn tại mãi, nhất là trong thời buổi có nhiều ý kiến khách quan, đa chiều như hiện nay. Ngoài ra, báo chí cũng cần góp phần mang đến cái nhìn sắc sảo hơn, giúp giới trẻ dễ nhìn rõ hiện thực hơn. Từ đó, các bạn trẻ sẽ tự chọn cho mình những nội dung có uy tín và giá trị.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Chiến thần review”? Không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO