Trước kia, khi nghề review mới nổi trên nền các nền tảng mạng xã hội, các reviewer thường khen tới tấp, dành những lời có cánh cho các sản phẩm, trải nghiệm của. Mục đích của những lời tâng bốc có thể giúp nhãn hàng bán được sản phẩm, tăng doanh thu cho công ty theo đó những KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) nhận được thù lao.
Nhưng hiện tại, những cái tên "chiến thần review", "reviewer chuyên chê" hay "kẻ hủy diệt nhãn hàng" đang nở rộ thành trào lưu trên các nền tảng mạng xã hội, gây ra một sự ngán ngẩm đối với các quán xá và nhãn hàng.
Reviewer Hùng Phạm (tên thật: Phạm Văn Hùng), sở hữu kênh Tiktok cá nhân hơn 3,4 triệu lượt thích và 227K lượt theo dõi chia sẻ lý do anh chọn nghề đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội làm công việc chính.
Đầu tiên, trước khi trở thành reviewer, Hùng làm việc và sát cánh cùng các nhãn hàng rất nhiều, bên cạnh đó anh chi rất nhiều tiền hàng tháng trải nghiệm sản phẩm của đủ các nhãn hàng với nhiều phân khúc khác nhau. Nhưng khi sử dụng, có rất nhiều sản phẩm nam Tiktoker mua theo quảng cáo và thất vọng, nên ngay khi làm việc như một reviewer Hùng đã hiểu được tâm lý khách hàng và đặt sự khách quan lên hàng đầu.
Lý do thứ hai, Hùng Phạm bộc bạch, anh hiểu được nếu không truyền thông và nói đúng về sản phẩm người mua hàng sẽ là người thiệt, điều đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chính bản thân anh.
Chia sẻ về quá trình nhận quảng cáo, sau khi nhận sản phẩm của nhãn hàng Hùng sẽ giữ nguyên tình trạng đóng gói cho đến lúc quay video. Đồng thời khi quay video review, chàng thanh niên sẽ đặt bản thân là khách hàng đánh giá cảm nhận về sản phẩm ngay lúc đó, không hề lên kịch bản trước nhằm giữ sự thực tế nhất có thể.
Anh cho rằng, 1 sản phẩm luôn có hai mặt để người dùng đánh giá khen và chê. Chính vì vậy, khi làm việc với 1 nhãn hàng, anh sẽ luôn thông báo phong cách review chân thực, khách quan của mình nhằm dễ làm việc.
Hùng tâm sự, đã từng xảy ra trường hợp nhãn hàng muốn sửa lại lời review về sản phẩm anh đã đánh giá trước đó. Khi ấy anh cảm thấy khó chịu, không làm đúng với nhân cách của anh nên đã lên clip nói về vấn đề đó nhằm khẳng định phong cách làm việc của mình. Anh nói :"Mình sẽ chấp nhận không nhận được nhiều tiền quảng cáo nhưng bù lại giữ được chữ tín, khách quan cho người xem".
Sự thật đằng sau tiêu cực hơn rất nhiều
Anh Quang Huy, Tiktoker sở hữu kênh cá nhân chuyên review các quán ăn tên Tôm Tồm Tộp đạt 11 triệu lượt thích cùng 257K lượt follow chia sẻ, review với anh không phải nghề kiếm tiền nên sản phẩm, quán ăn anh đánh giá sẽ đúng với cảm nhận của mình.
Phong cách đánh giá trên kênh của anh đặt mục tiêu: khen - chê rõ ràng. Khen mức độ vừa phải, chê mức độ khéo léo sẽ vừa lòng cả đối tác, bản thân và gây thiện cảm với người xem. Khi hợp tác với nhãn hàng, anh Huy luôn đặt điều kiện cho bên đối tác rằng phong cách đánh giá của anh vô cùng thực tế nên cân nhắc rủi ro có thể xảy ra.
Anh chia sẻ, đã có nhiều nhãn hàng khi đến bước gửi video kiểm duyệt trước khi up đã đề nghị anh thay phần chê bằng việc khen, ngay khoảnh khắc đó anh đã quyết định hủy hợp tác vì anh cho rằng, phần lớn nguyên nhân là do anh không bị phụ thuộc vào việc kiếm tiền từ việc nhận quảng cáo.
Chàng trai bày tỏ, làm việc trong ngành dịch vụ cần chấp nhận rủi ro nhận lời đánh giá không tốt nhằm cải thiện hơn mỗi ngày, khi đến quán ăn lần đầu, hôm đó vô tình thức ăn bị mặn, sống... sẽ không gây được thiện cảm và quay lại lần 2.
Những quán ăn lo lắng khi anh đến review sẽ rơi vào trường hợp có chất lượng vừa vừa, bơm tiền quảng cáo quá đà sẽ dẫn đến việc đó. Anh Huy cho rằng, vắng mợ chợ vẫn đông, khi quán đã đông và ngon thì lên sóng hay không sẽ không ảnh hưởng nhiều đến danh tiếng và chất lượng của quán.
Chia sẻ về việc một số quán ăn gần đây lợi dụng truyền thông "bẩn" (một trong các loại truyền thông) nhằm thực hiện mục đích là danh tiếng lên cao, thu nhập tăng nhưng bên cạnh đó ở góc độ doanh nghiệp bản chất không phải vậy, danh tiếng trong trường hợp này chỉ là mồi câu, sự thật đằng sau tiêu cực hơn rất nhiều.
Nổi nhanh trong thời gian ngắn
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập Truyền thông Trắng Đen, có kinh nghiệm 18 năm hoạt động trong ngành truyền thông đánh giá rằng, những reviewer chuyên chê thường có mục đích nổi tiếng trong thời gian ngắn. Những reviewer này xây dựng nội dung chủ yếu chuyên đi "bóc phốt" nhằm thu hút lượng lớn người xem chỉ trong tích tắc, bên cạnh đó các nhãn hàng hay chủ thương hiệu không biết cách xử lý sẽ trả số tiền kha khá cho người đánh giá nhằm cho qua chuyện.
Lợi ích của việc đánh giá tiêu cực cho sản phẩm, quán ăn từ phía KOLs, KOC là họ sẽ được tăng trưởng follower, tăng doanh thu tiền từ các nhãn hàng trả cho họ. Nhưng về lâu dài, sự định hướng đó sẽ gây ra không ít tiêu cực đến cảm nhận của mọi người xung quanh về họ.
Về tài năng, content tiêu cực sẽ gây ra cho mọi người cảm nhận tiêu cực về cá nhân đó tạo nên một "thương hiệu" tiêu cực, xấu xí. "Thời gian đầu, bóc phốt có thể người xem sẽ tò mò và quan tâm nhưng việc đó không tạo ra nhiều giá trị, gắn kết với người theo dõi. Chỉ một thời gian sau, người xem sẽ dần rời khỏi nội dung tiêu cực, trống rỗng và tìm đến những nội dung thú vị hơn, tích cực hơn trong cuộc sống", anh thẳng thắn.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tiêu cực quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả các mối quan hệ xung quanh, bạn bè sẽ ngại tiếp xúc và xa lánh đối với cá nhân nghĩ về cuộc sống theo hướng tiêu cực.
Thứ ba, việc các nhãn hàng quay lưng là chuyện sớm muộn. Đặc biệt đối với các chiến dịch lớn, nhãn hàng vô cùng tập trung việc chọn người mẫu quảng cáo, người đại diện nên việc xây dựng hình ảnh tiêu cực sẽ gây nên bất lợi lớn cho KOLs, KOC đó.
Không chỉ đối với công việc, trong cuộc sống lâu dần sẽ hình thành nên thói quen tìm ra điểm yếu và "bới móc" những khuyết điểm của sự vật, sự việc xảy ra xung quanh mình sẽ tạo ra một rào cản vô hình chung kìm nén sự phát triển của bản thân.
Anh Ngọc Long chia sẻ, việc nhận biết giữa việc review chuyên "bóc phốt" và review khách quan hiện nay khá khó khăn, phức tạp. Anh chỉ ra ba bước nhằm dễ dàng đánh giá một content review.
Bước thứ nhất, người xem cần có suy nghĩ và ý thức rằng thông tin, đánh giá các KOLs, KOC đưa ra có thể đúng, có thể sai.
Bước thứ hai, dựa vào nguồn đưa thông tin, kiểm chứng nguồn đó có đáng tin cậy, lịch sử đưa tin có chính xác hay không?
Và bước thứ ba, người xem cần nghe từ nhiều phía và có chính kiến riêng của bản thân, tự có khả năng đánh giá sản phẩm dựa trên kiến thức, kinh nghiệm.