Chiến lược gây sức ép trên nhiều mặt trận của Nga với Ukraine

Thành Đạt| 23/02/2022 14:28

Trước khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai tại Đông Ukraine, Mỹ và phương Tây cáo buộc Moscow đã gây sức ép với nước láng giềng trên nhiều mặt trận.

Chiến lược gây sức ép trên nhiều mặt trận của Nga với Ukraine - 1

Binh sĩ Nga tập trận gần biên giới Ukraine (Ảnh: AP).

Trong nhiều năm qua, tình hình biên giới giữa Nga và Ukraine được xem như "chảo lửa", khi Nga liên tục đưa quân tới gần Ukraine và cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine với phe ly khai tại Đông Ukraine thường xuyên bùng phát.

Dựa trên các hình ảnh vệ tinh, Mỹ và các đồng minh cáo buộc Nga triển khai hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine trong những tuần gần đây. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu, xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành và nhiều loại vũ khí hiện đại cũng được huy động nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới Ukraine.

Giữa tháng 1, Nga bắt đầu đưa quân tới Belarus, nước láng giềng với Ukraine, để tham gia các cuộc tập trận chung có tên gọi Quyết tâm Đồng minh 2022. Moscow tuyên bố các cuộc tập trận giúp củng cố năng lực đối phó với nguy cơ tấn công từ bên ngoài nhằm vào liên minh gồm Nga và Belarus.

Mặc dù Nga đã thông báo rút một phần lực lượng quân sự sau khi kết thúc các cuộc tập trận, song Mỹ và phương Tây vẫn hoài nghi tuyên bố này. Thậm chí, các hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy, Nga còn đưa thêm quân và khí tài tới gần biên giới Ukraine.

Giới phân tích nhận định, việc Nga đưa quân tới gần biên giới Ukraine hay tập trận quân sự chung với Belarus chỉ là một phần trong chiến dịch gây sức ép của Moscow với Kiev.

Kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và vấp phải làn sóng trừng phạt của phương Tây, Moscow được cho là đã sử dụng nhiều hình thức để buộc Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO hay xích lại gần châu Âu. Ngoài chính trị quân sự, phương Tây cho rằng Nga còn sử dụng các "công cụ" như kinh tế, năng lượng, thông tin tuyên truyền, tấn công mạng… để gây sức ép với Ukraine.

"Vấn đề chính ở đây không phải việc quân đội kiểm soát lãnh thổ, mà là việc thiết lập ảnh hưởng. Các màn phô diễn sức mạnh quân sự như triển khai quân đội ở biên giới Ukraine, tập trận ở Belarus, cũng như các hoạt động tuyên truyền được chuẩn bị kỹ lưỡng hay thông báo rút quân đều là một phần của bộ công cụ được trang bị bài bản. Và Nga đã thực sự thuần thục trong việc triển khai cách tiếp cận phối hợp như vậy", hãng tin DW dẫn lời Margarete Klein, nhà nghiên cứu chuyên về Đông Âu tại Viện Các vấn đề An ninh Đức (SWP) có trụ sở tại Berlin, nhận định, đồng thời cho rằng các biện pháp phi quân sự mới thực sự đóng vai trò trọng tâm.

Gây sức ép trên các mặt trận

Chiến lược gây sức ép trên nhiều mặt trận của Nga với Ukraine - 2

Khí đốt được coi là vũ khí của Nga trong quan hệ với Ukraine và phương Tây (Ảnh: RT).

Ukraine hồi giữa tháng 1 cho biết họ có bằng chứng cho thấy Nga đứng sau vụ tấn công mạng khiến nhiều trang web chính phủ bị sập, mặc dù Moscow đã lên tiếng phủ nhận. NATO sau đó đã vào cuộc để giúp Ukraine tăng cường năng lực an ninh mạng. Phương Tây cho rằng Nga đã triển khai các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ukraine ít nhất từ năm 2014.

Theo The Conversation, trên không gian mạng, Nga bị cáo buộc đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Ukraine, nhắm mục tiêu vào lưới điện của nước này, tấn công các trang web của chính phủ và phát tán thông tin sai lệch. Về mặt chiến lược, các hoạt động không gian mạng của Nga được thiết kế để làm suy yếu chính phủ Ukraine và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân. Về mặt chiến thuật, các hoạt động trên mạng nghi do Nga tiến hành được cho là nhằm gây ảnh hưởng, gây sợ hãi và lôi kéo người dân Ukraine. Moscow nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Các chuyên gia cho rằng Nga dường như muốn "gây áp lực nhiều nhất có thể cho Ukraine" nhằm đưa nước này trở lại con đường "thân Nga". Ngoài ra, Nga cũng muốn tạo ra tâm lý căng thẳng cho phương Tây. Điều này giải thích vì sao Mỹ cáo buộc Nga chưa đưa lực lượng quân sự khỏi biên giới Ukraine, trong khi Moscow tuyên bố đã rút quân.

Năng lượng cũng là một trong những "quân cờ" mà phương Tây cho rằng Nga đã sử dụng để gây sức ép với Ukraine, khi 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu đi qua Ukraine và sản lượng khí đốt của các nước châu Âu ngày càng giảm.

Nga nhiều năm qua cáo buộc Ukraine là đối tác không đáng tin cậy và muốn cắt giảm đáng kể lượng khí đốt mà nước này chuyển qua Ukraine. Thay vào đó, Nga muốn tập trung vào việc vận chuyển khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc giữa Nga và Đức. Nga cũng triển khai dự án đường ống với Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai có thể sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống này. Sau khi các dự án này được hoàn thiện, khối lượng khí đốt được Nga trung chuyển qua Ukraine sẽ giảm đáng kể.

Các chuyên gia cảnh báo nếu khí đốt không được trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine, nguy cơ căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ leo thang. Kịch bản này không chỉ dẫn đến hậu quả về kinh tế mà còn địa chính trị đối với Ukraine cũng như toàn thế giới. Tổng thống Vladimir Putin có thể cắt toàn bộ hoặc một phần lớn dòng khí đốt của Nga đến châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mà Mỹ và các nước phương Tây khác đã đe dọa.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng một trong những mục tiêu của Nga là làm suy yếu nền kinh tế Ukraine. Việc Nga phô diễn sức mạnh cũng khiến các nhà đầu tư tiềm năng cảm thấy lo ngại khi rót vốn vào Ukraine. Khi phương Tây liên tục cảnh báo về nguy cơ Nga chuẩn bị hành động quân sự với Ukraine, nhiều hãng hàng không nước ngoài đã dừng các chuyến bay tới Ukraine và ảnh hưởng tới nước này.

Ông Rostislav Shurma, Phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, gần đây cho biết nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mối lo ngại Moscow có thể lên kế hoạch hành động quân sự với Kiev.

"Chúng tôi quan sát thấy các khoản thiệt hại không thể thu hồi lên tới 2-3 tỷ USD mỗi tháng. Chúng gồm những khoản đầu tư bị đình trệ, lạm phát gia tăng, thua lỗ trong lĩnh vực du lịch và sụt giảm lưu lượng giao thông bằng đường hàng không. Ngoài ra còn có áp lực đầu cơ lên các thị trường tài chính, gây ảnh hưởng lên các khoản vay và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái", ông Shurma cho biết.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược gây sức ép trên nhiều mặt trận của Nga với Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO