Sau 10 ngày chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều tuyến đường đã trả lại lối đi thông thoáng, tuy nhiên vẫn còn đó những con phố ngang nhiên lấn chiếm bằng nhiều cách khác nhau.
Ghi nhận của PV trong chiều ngày 10/3, vỉa hè phố Giảng Võ (quận Đống Đa, Hà Nội) trước kia thường là nơi đỗ xe ô tô dày đặc nhưng nay đã trở nên thông thoáng, người đi bộ dễ dàng đi lại mà không phải luồn lách khó khăn.
Tương tự với vỉa hè trên phố Huỳnh Thúc Kháng (đoạn trước cổng Sở Tài nguyên Môi trường), trái ngược với hình ảnh ô tô nối đuôi nhau đỗ chật kín vỉa hè và làn đi bộ thì nay lác đác còn vài xe vi phạm.
Vỉa hè trên phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) được trả lại lối đi cho người đi bộ, nơi đây trước kia thường là nơi bày kín mặt hè bàn ghế dịch vụ tô tượng, chật kín khách ngồi. Nhưng giờ đây sau 10 ngày lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, giám sát đã trả lại sự thông thoáng vốn có.
TP Hà Nội đặt mục tiêu trả lại nguyên trạng hè phố cho người đi bộ, đặc biệt ở 12 quận. Với những trường hợp chống đối sẽ bị cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy chiếm dụng hè phố, lòng đường.
Lực lượng công an phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) ra quân kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên phố Giáp Nhất.
Khu vực phố cổ Hà Nội luôn là điểm nóng của việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Lực lượng chức năng các phường tại đây thường xuyên điều động nhân lực đi tuần tra, giám sát và nhắc nhớ các hộ kinh doanh vi phạm. Hình ảnh ghi nhận tại phố Hàng Lược khi một quán cafe vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, ngay sau khi lực lượng chức năng có mặt, tiến hành tịch thu đồ vật vi phạm, khách cũng vội vàng xách ghế chạy vào bên trong quán.
Tương tự tại một số hộ kinh doanh khác trên phố Hàng Mã, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, nhân viên nhanh chóng thu dọn đồ đạc khỏi vị trí lấn chiếm vỉa hè.
Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 giờ đồng hồ, khi phóng viên quay lại, mọi thứ trở lại như cũ, hàng hóa dù không bày tràn lan như trước kia nhưng vẫn chiếm dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, thậm chí xe cộ tại quán bày phía trước chắn ngang toàn bộ vỉa hè, không người đi bộ nào có thể đi qua được.
Cửa hàng này mới lúc trước có lực lượng chức năng tới kiểm tra nhân viên còn tháo dỡ lồng đèn treo trên cao cùng các giỏ hàng lấn ra vỉa hè. Nhưng điều đó chỉ mang tính hình thức và chủ cửa hàng tái phạm việc chiếm dụng vỉa hè sau khi vắng bóng lực lượng chức năng, thậm chí còn dựng thêm nhiều xe máy đỗ chật kín vỉa hè.
Còn khá nhiều hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã chưa tuân thủ quy định về việc kinh doanh, lấn chiếm từng phần vỉa hè, thậm chí là toàn bộ, đẩy người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Mặt hè phố Hàng Rươi chật kín hàng hóa và xe cộ trên mặt hè chỉ một giờ sau khi lực lượng chức năng đi qua.
Dù chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng đã diễn ra được 10 ngày nhưng những hình ảnh lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để kinh doanh trên phố Hàng Khoai (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.
Bên cạnh đó là phố Hàng Giấy, hộ kinh doanh thậm chí còn bày bán ra cả lòng đường để kinh doanh giày dép, khi khách dừng lại mua hàng phần nào đã cản trở giao thông của các phương tiện khác.
Vỉa hè phố Hàng Dầu nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm thường xuyên tái diễn cảnh quán trà đá cùng xe máy chiếm trọn vỉa hè.
Quán cà phê trên phố Lê Đại Hành vô tư bày bàn ghế cho khách ngồi trên toàn bộ vỉa hè dù có biển cấm đặt ngay bên cạnh.
Trong khi đa số các hộ kinh doanh trên phố Nguyễn Đình Thi thực hiện tốt quy định sử dụng vỉa hè thì một số ít vẫn tiếp tục tái diễn việc để xe cộ giành lối đi của người đi bộ.
Trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã chia 3 mốc thời gian để các địa phương thực hiện "tổng chiến dịch" xóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Cụ thể, giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.
Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 - 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.