Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó lường, chiến công của các anh thực sự có ý nghĩa lớn lao với công cuộc xây dựng đất nước trong hoà bình và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Ngày 14/3/1988, đất nước có quốc tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, đang ở “đáy” với muôn vàn khó khăn, kinh tế khủng hoảng trầm trọng, bao vây cấm vận, ngân khố trống rỗng, và đang căng mình trên hai cuộc chiến ở hai đầu đất nước. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã có nhiều hành động khiêu khích quân sự và bộc lộ dã tâm tiến xuống Trường Sa nơi họ chưa từng hiện diện trong lịch sử.
Súng bộ binh AK chống lại họng pháo
Ngay trong tháng 1/1988, chấp hành mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng, Đảng ủy Quân chủng Hải quân xác định: "Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân".
Chiến dịch CQ-88 dưới sự chỉ đạo của Đô đốc huyền thoại Giáp Văn Cương đã được khởi động. Việt Nam không bất ngờ mất cảnh giác trước dã tâm bành trướng, đã đi trước và đủ tỉnh táo để tránh mắc bẫy rơi vào một mặt trận mới thứ ba từ phía biển. Các anh đã “không nổ súng trước” nhưng vẫn bùng cháy chí khí tiến công với quân kỳ đẫm máu, súng bộ binh AK chống lại các họng pháo 100 ly và con tàu lao lên lấy thân mình quyết tâm giữ đảo.
Đó là chí khí “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” như lời nhắn nhủ cuối cùng tới đồng đội của Anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương. Chí khí đó đã buộc quân thù phải chùn bước.
Giữ nền hòa bình
Sự kiện 14/3 Hải quân Việt Nam đã giữ được Len Đao và Cô Lin và mất kiểm soát ở Gạc Ma. Rộng hơn, chiến dịch CQ-88 đã củng cố thế đứng của Việt Nam, đưa số lượng đảo kiểm soát lên 21, với 33 điểm đóng. Điều quan trọng là sự hy sinh của các anh đã giúp đất nước, lúc đó đang ở thế tứ bề thọ địch tránh được một cuộc chiến không cân sức, giữ được nền hoà bình mỏng manh để tạo điều kiện cho dân tộc đứng vững và vươn lên như ngày nay.
Sự kiện 14/3 đã tác động đến quyết tâm của các nhà lãnh đạo đất nước, nhanh chóng đổi mới, mở rộng quan hệ đối ngoại, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế.
Sau sự kiện 14/3, đất nước đã Đổi mới thành công, giải quyết dứt điểm vấn đề giúp đỡ Campuchia tránh khỏi nạn diệt chủng, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, lần lượt giải quyết tốt các vấn đề do lịch sử để lại, và đưa đất nước tiến lên, vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trở thành nền kinh tế thứ tư trong ASEAN. Các thành công đó có một phần xương máu của các anh và quyết định lịch sử ngày 14/3.
Sự kiện 14/3 cũng chứng tỏ chân lý giữ vững chủ quyền và xây dựng tổ quốc phải do chính người Việt Nam tiến hành. Chúng ta trân trọng sự giúp đỡ quý báu của quốc tế, của các nước anh em nhưng trên tinh thần độc lập tự chủ.
Chính từ những ngày tháng 3 gian khó đó, đường lối “4 không 1 tuỳ” của Việt Nam đã từng bước hình thành: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” song “tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.
Cúi mình thắp nén tâm hương
Thế và lực của Việt Nam đã thay đổi. Từ thế cô lực tận, Việt Nam ngày nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 trong 200 quốc gia trên toàn thế giới, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 4 quốc gia là Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022); quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản (2014); quan hệ Đối tác chiến lược với 12 quốc gia khác gồm Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (2010), Đức (2011), Ý, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore (2013), Malaysia, Philippines (2015), Úc (2018), New Zealand (2020); và quan hệ Đối tác toàn diện với 13 quốc gia là Nam Phi (2004), Venezuela, Chile, Brasil (2007), Argentina (2010), Ukraina (2011), Hoa Kỳ, Đan Mạch (2013), Myanmar, Canada (2017), Hungary (2018), Brunei, Hà Lan (2019).
Đây là cơ sở nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Sự kiện 14/3 nhắc nhở các thế hệ nối tiếp về tinh thần cảnh giác, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, hữu nghị với bạn bè chân chính, kiên quyết với kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền đất nước, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Với tinh thần đó, xin được cúi mình thắp tâm hương trước anh linh của các anh hùng đã hy sinh trong sự kiện 1974 và 1988, vì Biển Đông, vì sự trường tồn và hưng thịnh của đất nước.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam hai lần là thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc (hiện đang đảm nhận nhiệm kỳ 2023-2027). Ông là nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng tham gia các đoàn đàm phán quan trọng về vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đặc biệt, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao từng là lính thuỷ Lữ đoàn 125 Hải quân.