Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là một công trình có kiến trúc quân sự cổ và độc đáo bậc nhất Việt Nam được xây dựng vào năm 1822 - năm Minh Mạng thứ 3. Thành cổ Sơn Tây xây dựng bằng đá ong có tổng thể hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, cao 5m, xây theo kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư người Pháp Vauban) với tổng thể 16ha.
Thành có bốn cổng chính: Chính Nam gọi là cổng Tiền có cột cờ được xây dựng bằng đá ong, chính Bắc là cổng Hậu, hai cổng Tả và Hữu. Hai cổng Tiền và Hậu đều có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành.
Ở bốn góc thành xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to, xây bậc đá ong xuống tận đáy để cung cấp nước cho quân lính sinh hoạt.
Thành cổ Sơn Tây được xây dựng để triều nhà Nguyễn quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế, thành còn trấn trị toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy.
Năm 1994, thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia.
Dự kiến vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, không gian phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây sẽ đưa vào hoạt động. Đây là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội được hình thành sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.
Theo đó, tuyến phố đi bộ thí điểm có tổng chiều dài 820m, tổng diện tích sử dụng 34.550m2, kéo dài từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung - Nguyễn Thái Học).
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo thuộc Phòng Quản lý đô thị (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, công tác chuẩn bị đạt 85% tiến độ, nhiều hạng mục đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn cuối. Với tiến độ này, Thị xã Sơn Tây sẽ kịp hoàn thành để khai trương tuyến phố đi bộ vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.
Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ xác định nằm trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của các đoàn văn hóa nghệ thuật được đầu tư bài bản, quy mô.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đầu tư thêm nhiều chương trình hội chợ, văn hóa văn nghệ, triển lãm ảnh, trưng bày cây cảnh… được kỳ vọng sẽ phát huy các giá trị của thành cổ.