Nằm dọc bờ biển xa xôi phía Tây của Madagascar là rừng đá Tsingy nổi tiếng. Rừng Tsingy còn được gọi là "rừng dao" với những tháp đá nhọn hoắt, lởm chởm có độ cao lên tới 50m, có tháp đá còn cao hẳn 70m.
Vào khoảng 200 triệu năm trước, khu rừng này được cho là chìm hoàn toàn trong nước biển. Khi quá trình biến động địa chất diễn ra, chúng dần bị đẩy lên, những khối đá vôi dần bị mài mòn qua thời gian bởi mưa, gió, hình thành nên các ngọn đá sắc nhọn như bây giờ.
Vì đây là một khu rừng đầy những tháp đá nhọn hoắt, lởm chởm, cái tên Tsingy được người dân địa phương đặt ra mang ý nghĩa là "nơi không thể đi bộ" ở Malagasy.
Rừng đá Tsingy được chia thành hai khu vực với phía Bắc là khu bảo tồn thiên nhiên, còn phía Nam là Vườn quốc gia Tsingy de Bemaraha. Sự sống của các loài động, thực vật ở Tsingy được phân bố theo độ cao. Bên dưới những “lưỡi dao chọc trời” là hẻm núi, hang động ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Đây là chỗ trú ẩn lý tưởng của một số loài không xương sống và động vật lưỡng cư.
Không gian các hẻm núi hẹp, hiểm trở lại trở thành khu vực sinh sống tuyệt vời cho các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, như loài vượn cáo. Nhờ sở hữu địa hình độc đáo cùng những khu rừng ngập mặn và các quần thể chim, vượn, cáo hoang dã cần được bảo tồn, khu vực này được được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1990.
Do địa hình quá hiểm trở nên nơi đây dù nổi tiếng nhưng rất kén khách du lịch ghé thăm. Bởi nếu muốn tận mắt chiêm ngưỡng và khám phá khu rừng đá này, bạn cần phải có kỹ năng và dụng cụ leo núi chuyên nghiệp để có thể di chuyển.
Huấn luyện viên địa phương sẽ hướng dẫn du khách kỹ năng leo núi, bảo dưỡng thiết bị và kỹ năng an toàn. Hành trình khám phá và chinh phục Tsingy vẫn là một thử thách đối với những nhà leo núi chuyên nghiệp.